Thứ ba, 16/04/2024

Mahatma Gandhi, người có tâm thức tôn giáo chân chính và sâu xa

Cập nhật lúc 00:00 23/03/2013
Khi nhắc đến tên ông Mahatma Gandhi, vị cha già khả kính của dân tộc Ấn độ mà người Việt Nam chúng ta đã cung kính gọi là „Thánh Cam Địa“, người ta thường tự hỏi ông Gandhi thật sự là ai: Một nhà chính trị? một vị tiên tri? hay một lữ khách luôn tìm kiếm chân lý? Câu trả lời khẳng định dừng lại nơi mỗi câu hỏi đều đúng, nhưng đồng thời cũng đều chưa đầy đủ, vì người ta có thể nói được rằng nơi Mahatma Gandhi hội tụ cả ba sứ vụ ấy: Ông vừa là một chính trị gia, một vị tiên tri và cũng vừa là một lữ khách luôn đi tìm kiếm chân lý. Nhưng trên hết, Mahatma Gandhi là một vĩ nhân của nhân loại, nhất là một con người có tâm thức tôn giáo chân chính và sâu xa.

Vào lúc 17 giờ 10, ngày 30 tháng 1 năm 1948, đúng bốn tháng sau khi ông Mahatma Gandhi đã giành lại được quyền độc lập cho Ấn Độ khỏi tay đế quốc Anh bằng phương pháp tranh đấu bất bạo động và được toàn thể dân tộc ông vô cùng biết ơn, kính yêu và tôn xưng ông là „Bapu“, cha già dân tộc, thì ông đã bị một thanh niên thuộc Ấn giáo quá khích ám sát khi ông đang trên đường đi tới đền thờ để cầu nguyện như mọi ngày. Cả thế giới, kể cả các kẻ thù của ông, đều thương khóc ông và khâm phục tâm hồn, tư tưởng cũng như tư cách sống cao thượng của ông. Liên Hiệp Quốc đã treo cờ rũ để tang cho ông.

Cho đến nay, dù đã 65 năm trôi qua nhưng cả nhân loại nói chung và nhất là những con người thiện tâm trên khắp thế giới nói riêng chẳng những không quên tên ông mà luôn vẫn một lòng tôn kính ông. Nhiều hãng phim nổi danh trên thế giới đã không ngại bỏ ra hàng trăm triệu US-Dollar để quay lại cuộc đời hào hùng và đầy đức hạnh của ông. Đây hẳn là điều khiến chúng ta phải tìm hiểu đâu là lý do chính yếu đã tạo nên được sự ngưỡng mộ đối với nhân thân ông Mahatma Gandhi trên khắp thế giới như thế.

Một sức mạnh tinh thần vô song trong một thể xác mảnh khảnh

Vào tháng chín năm 1888, khi Mahatma Gandhi mới tròn 19 tuổi đến ghi tên học luật tại một đại học ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh, chắc chắn chưa có một ai, kể cả chính Gandhi, có thể ngờ được rằng trong một người thanh niên Ấn Độ với thân hình mảnh khảnh như thế lại chứa đựng một sức mạnh tinh thần vô song, đã có thể làm cho cả một cường quốc hùng mạnh như đế quốc Anh vào lúc bấy giờ phải lùi bước và nhượng bộ trước yêu cầu của ông là trao trả lại quyền độc lập cho Ấn Độ.

Tại thủ đô đế quốc Anh, một đế quốc đang đô hộ quê hương Ấn độ của ông với một chính sách bóc lột và hà khắc, ông đã bắt đầu thay đổi cuộc sống. Ông đã hoàn toàn sống kiêng khem và chay tịnh như một đạo sĩ Ấn Độ: Không hút thuốc, không uống rượu, không ăn cá thịt, hằng ngày chỉ sống bằng hoa quả và các thức ăn thảo mộc. Dù là tín đồ Ấn giáo, nhưng ông cũng đã từng nghe theo lời khuyên của các bạn hữu và đã đọc và nghiên cứu Kinh Thánh Kitô giáo. Phần Kinh Thánh Cựu Ước đã không gây được nhiều ấn tượng nơi ông, chỉ có phần Kinh Thánh Tân Ước và nhất là Bài Giảng Trên Núi, tức Tám Mối Phúc Thật, đã tạo ra nơi tâm hồn và cả cuộc đời ông một ảnh hưởng vô cùng sâu xa và cụ thể, đến nỗi ông đã từng phát biểu: „Tôi không cần biết có một Đức Giêsu trong lịch sử hay không, nhưng những gì Người dạy trong Bài Giảng Trên Núi là sự thật.“

Bởi vậy, trong khi nhiều Kitô hữu cho rằng những điều Đức Giêsu dạy trong Bài Giảng Trên Núi là những sự thật bất khả thi, ông Gandhi lại lấy những lời dạy ấy làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động và cho cả đời sống của ông. Mục sư Martin Luther King, vị lãnh tụ người Mỹ da đen đã áp dụng phương pháp tranh đấu bất bạo động của Gandhi để đòi hỏi các quyền lợi chính đáng cho sắc dân của ông, đã từng tuyên bố: „Ông Gandhi là người đầu tiên đã đem đạo lý tình yêu Đức Giêsu ra khỏi phạm vi tương quan hạn hẹp giữa các cá nhân và tạo nên một sức mạnh xã hội vô song và hiệu quả trong một chiều kích rộng lớn!“

Trong suốt một phần tư thế kỷ sống ở Luân Đôn và ở Nam Phi, nơi ông thực hành nghề luật sư để bênh vực cho những kiều dân Ấn Độ sinh sống tại đó, đã có nhiều bạn bè khuyên ông trở lại Kitô giáo và ông cũng đã từng có tư tưởng muốn theo Kitô giáo. Nhưng sau hai năm trọ ở Luân Đôn ông đã có dịp đọc được cuốn sách „Bhagavadgita“, một cuốn sách thánh quan trọng của Ấn Giáo được viết theo thể thơ, tương tự như cuốn Thánh Vịnh trong Kinh Thánh, và dạy rằng tất cả mọi bản ngã khác nhau chỉ là một bản ngã duy nhất trong Thiên Chúa, và chính cuốn sách ấy đã làm biến đổi cuộc sống của ông và đưa ông trở về lại với Ấn giáo truyền thống. Những điều khi ông còn nhỏ đã lãnh nhận được một cách vô thức từ cha mẹ và khi lớn lên đã từng chê bai bác bỏ, thì nay ông đã hiểu và nhận chân được rằng đó là những chân lý thực sự có thể hướng dẫn cuộc sống của ông.

Là một thanh niên luôn muốn tìm kiếm sự thiện hảo và chân lý, ông đã dày công nghiên cứu các trào lưu triết học và tôn giáo Á Châu. Ông từng khẳng định: „Đối với tôi, Thiên Chúa là sự thật và tình yêu. Thiên Chúa là nguồn mọi đạo đức luân lý. Thiên Chúa không phải là Đấng làm ta phải sợ hãi. Thiên Chúa là nguồn ánh sáng và sự sống, nhưng Người vượt lên trên tất cả những điều ấy và ở bên ngoài những điều ấy. (…) Người là một Thiên Chúa có bản vị (persönlicher Gott) cho những ai cần đến sự hiện diện bản vị của Người. Người đã nhận lấy hình thể để cho những ai đang đau khổ có thể chạm tới Người được. Người là hữu thể thuần túy. Người thì đơn sơ và giản dị cho những ai tin kính Người. Người là tất cả mọi sự cho tất cả mọi người. Người ở trong ta, tuy nhiên Người lại ở trên ta và ở bên ngoài ta.“

Sau này Gandhi đã viết: „Kitô giáo và Hồi giáo đối với tôi cũng chân thật như tôn giáo riêng của tôi. Nhưng chỉ tôn giáo của tôi mới làm thoả mãn được những khao khát nội tâm của tôi. Tôn giáo ấy ban cho tôi tất cả những gì tôi cần có để phát triển nội tâm của tôi. Tôn giáo ấy dạy cho tôi biết cầu nguyện. Trong khi đó những người khác lại mong muốn phát huy mình để vươn tới sự hoàn thiện con người mình trong tôn giáo của mình, chứ họ không muốn tin điều chính tôi tin. Bởi vậy, tôi cầu nguyện cho người Kitô hữu để anh ta trở nên một Kitô hữu tốt hơn và cho một tín đồ Hồi giáo để anh ta trở nên một tín đồ Hồi giáo tốt hơn.“

Tìm kiếm sự hòa hợp giữa cảm giác, tư tưởng, lời nói và hành động

Niềm khao khát cơ bản và sâu thẳm nhất của cuộc sống ông Gandhi là đi tìm kiếm một sự hòa hợp hoàn toàn giữa cảm giác, tư tưởng, lời nói và hành động. Ông trình bày tôn giáo như là „một bản tính bẩm sinh tự nhiên của linh hồn. Tôn giáo tạo điều kiện cho chúng ta với tính cách là con người nhận thức được các trách nhiệm của mình trong cuộc sống và xây dựng một tương quan chân chính với đồng loại của mình. Nhưng trước hết chúng ta phải nhận thức được chính bản chất thực sự của mình. Vì thế, tôn giáo trước hết là phương tiện giúp chúng ta hiện thực được chính mình, hay nói cách khác, hiện thực được bản chất thực sự của con người mình.“

Ông Gandhi đã suốt đời không chút mỏi mệt tranh đấu cho sự tôn trọng lẫn nhau, sự khoan dung giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau và chống lại một tôn giáo thống nhất. Ông viết: „Tất cả những toan tính tìm cách bóp chết những truyền thống xuất phát từ gia sản chung (của mỗi tôn giáo), vốn do khí hậu và môi trường sống tác động nên, thì không chỉ chuốc lấy thất bại mà còn là một tội phạm thánh.“ Khi những nhà truyền giáo Kitô giáo hỏi ông là họ phải làm thế nào để người Ấn Độ tin nhận Tin Mừng Kitô giáo, ông đã trả lời: "các ngài hãy trở nên những bông hồng!" Vì một bông hồng xinh tươi và thơm hương thì không cần phải mời mọc, vẫn thu hút được sự ngưỡng mộ và mê say của mọi người.

Trong thế kỷ XX, khi thấy nhiều người Kitô hữu đã mày mò tìm sang Ấn Độ để tầm đạo, ông Gandhi đã nói: „Nếu như có một người Kitô hữu đến với tôi và nói rằng anh ta rất thích thú khi đọc sách thánh Bhagavadgita và nay muốn trở thành tín hữu Ấn giáo, thì tôi sẽ trả lời ngay với anh ta: „Không được. Những gì được mặc khải trong sách Bhagavadgita cũng đều được mặc khải trong Kinh Thánh. Anh chỉ chưa khám phá ra được đấy thôi. Vậy, anh cố gắng khám phá ra điều ấy và anh hãy cố gắng trở nên một Kitô hữu tốt.“

Khi chưa đầy ba mươi tuổi đời và trong khi hành nghề luật sư cốt để tranh đấu cho những người công nhân Ấn Độ bị bóc lột tại Nam Phi, Gandhi đã nhận ra được sứ vụ thiêng liêng của ông. Vốn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của văn hào người Nga Leo Tolstois mà ông xưng tụng là sư phụ và của văn hào người Anh John Ruskins, Gandhi đã bắt đầu biên soạn cuốn tự thuật với tựa đề „The Story of my Experiments with Truth“ (Lịch sử những cảm nghiệm của tôi về chân lý), xuất bản năm 1924. Cũng như với tính cách là một luật gia, ông đã nghiên cứu và theo đuổi phân khoa luật, để từ những kinh nghiệm đã tích lũy được khi nghiên cứu luật pháp, ông sẽ thẳng tay phê bình chỉ trích chúng khi chúng đi ngược lại sự công bằng xã hội, cũng tương tự như thế, ông luôn tôn trọng truyền thống tôn giáo, nhưng ông sẽ không ngại lên tiếng chỉ trích truyền thống ấy khi người ta nhân danh nó để xúc phạm đến phẩm giá con người.

Đặc biệt nhất là ông đã suốt đời tranh đấu chống lại sự kỳ thị đối với những người vô giai cấp ở Ấn Độ, mà ông gọi là „Harijan“, là con cái Thiên Chúa, cũng như bênh vực cho phẩm giá nữ giới. Ông không bao giờ chấp nhận hòa hoãn với sự bất công. Vì thế, khi nhìn thấy chính trong tôn giáo của ông có những thái độ hay hành động sai trái, bất công và tiêu cực, ông không hề nhắm mắt làm ngơ; còn khi nhìn thấy các tôn giáo khác bị kỳ thị và bị chèn ép, ông liền mạnh mẽ lên tiếng bênh vực. Nói cách khác, Mahatma Gandhi là con người luôn đi tìm kiếm sự thật và sự công bình.

Bởi vậy, ông đã nhận chân được rằng Kitô giáo không hề là lý do hay nguyên nhân gây nên những áp bức và bóc lột của chế độ bảo hộ thực dân Anh ở Ấn Độ như nhiều người đồng hương khác của ông lầm tưởng, nhưng những quyền lực khác đã lợi dụng tôn giáo làm bình phong cho những mục đích đen tối của họ. Năm 1909, ông viết cho một chính trị gia người Anh: Nền văn minh tân tiến là „một sự chối từ niềm tin Kitô giáo.“

Mahatma Gandhi đã gọi hình thức cuộc tranh đấu do ông đề xướng để chống lại sự kỳ thị và sự áp bức ở Nam Phi là „Satyagraha“ và có nghĩa là „sức mạnh của chân lý và của tình yêu, tức sự bất bạo động.“

Ông luôn nhấn mạnh rằng trong cuộc chiến chống lại sự bất công và kỳ thị, ông đã không bày đặt ra bất cứ điều gì mới mẻ khác ngoài „ahimsa", ngoài sự bất bạo động và ngoài „satyagraha“, ngoài sự mặc khải của Thiên Chúa như là sức mạnh của tình yêu và của chân lý. Những gì ông công bố cũng „cũ kỹ như ngọn núi Hy-mã-lạp-sơn vậy.“

Satyagraha còn hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa hơn nữa, chứ không chỉ có nghĩa là một sự chống đối thụ động hay một sự tẩy chay dân sự đối với những luật lệ bất công. Đó là sức mạnh của những người yếu đuối biết tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Ý thức được sức mạnh tinh thần của mình, những người theo phương pháp Satyagraha, một đàng đã khước từ hoàn toàn mọi hình thức bạo động, một đàng khác lại không hề lùi bước trước bất công, dù bị đánh đập, bị tù tội hay phải hy sinh tính mạng.

Gandhi dạy: „Không phải qua gươm giáo, nhưng qua thái độ chịu đau khổ sẽ giúp cho người ta đánh giá được bản lãnh và nhân đức của một conngười.“ Chính thái độ sẵn sàng chấp nhận chịu đau khổ vì chân lý sẽ làm cho đối phương có dịp hồi tâm để không còn nhìn người khác là kẻ thù, nhưng là người cùng đồng hành đi tìm kiếm chân lý.

Sau 20 năm trường tranh đấu cho những người công nhân gốc Ấn Độ ở Nam Phi, năm 1914 Mahatma Gandhi đã quay trở về Ấn Độ. Ở đây, ông đã được toàn thể tầng lớp dân chúng nghèo tôn kính, nhưng đồng thời lại bị tầng lớp giàu có nghi ngờ đố kỵ, nhất là giai cấp thống trị luôn lo sợ và canh phòng ông. Không chút quan tâm tới phản ứng tiêu cực của các giai cấp giàu có và giai cấp thống trị, Mahatma Gandhi vẫn can đảm tiếp tục cuộc tranh đấu bất bạo động của ông cho dân tộc Ấn Độ như ông vẫn làm từ trước cho tới nay, chỉ khác là nay ông mở rộng cuộc tranh đấu một cách rộng rãi trên khắp toàn nước.

Chính sách thực dân: Chia để trị

Trong khi đó, chế độ đô hộ của thực dân Anh, để duy trì quyền lực của mình, họ luôn tìm cách chia rẽ các cộng đồng tôn giáo khác nhau và làm các cộng đồng ấy kình địch, gây hấn và chống đối lẫn nhau. Chẳng hạn họ đề cao một số tín đồ Hồi giáo khô khan và tầm thường là „những doanh nhân siêng năng cần mẫn“, ngược lại họ lại chê bai những người Ấn giáo „kiêu kỳ và lười biếng“. Mục đích của chính quyền đô hộ Anh là gây ra sự bất mãn và hận thù giữa các tín đồ của hai tôn giáo bằng những thiên kiến và đố kỵ lẫn nhau. Trên thực tế, để đạt được mục đích „chia để trị“, chính quyền thực dân Anh đã cổ vũ các tín đồ Hồi giáo rời bỏ quốc hội Ấn Độ để thành lập một chính quyền riêng chỉ gồm những người theo Hồi giáo mà thôi. Đó chính là nguyên nhân làm nảy sinh quốc gia Hồi giáo Pakistan, tức quốc gia của những người ngay chính và trong sạch. Để thực hiện được mục đích đó, họ cũng đã nhiều lần bỏ tù Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ của cuộc tranh đấu bất bạo động và luôn tìm cách hợp nhất những người Ấn giáo và Hồi giáo lại với nhau. Tất cả thời gian bị giam ở Nam Phi và Ấn Độ, ông Gandhi đã phải ngồi tù đế quốc Anh gần bảy năm trường. Người vợ hiền và đồng thời cũng là người đồng chí trung tín của ông là bà Kasturba đã qua đời năm 1944 khi bà cùng vào tù với ông trong lần bị giam cuối cùng.


Dù thân hình thể lý của ông mảnh khảnh, yếu đuối, nhưng ý chí và tinh thần của ông luôn mạnh mẽ và cương quyết vô song. Vì thế, khi xảy ra những cuộc tranh chấp và xung đột giữa các tín đồ Hồi giáo và Ấn Độ giáo, ông luôn sẵn sàng xả thân để đôi bên biết thông cảm và sống hòa bình với nhau. Ông nói với họ: „Tôi không hề kết án anh em, nhưng tôi kết án những hành động của anh em, vì chúng xúc phạm đến chân lý.“ Còn với các Kitô hữu ông nói: „Tốt nhất là chúng ta hãy thể hiện cuộc sống của mình bằng hành động cụ thể hơn là bằng lời nói suông. Thiên Chúa không chỉ đã bị đóng đinh vào thập giá cách đây 1900 năm, chính hôm nay Người vẫn còn bị đóng đinh. Ngày lại ngày, Người vẫn tiếp tục chết và rồi Người lại phục sinh. Chỉ là một sự an ủi mỏng manh nhỏ bé cho nhân loại, nếu như sự an ủi ấy chỉ đặt vào nơi một vị Thiên Chúa lịch sử, Đấng đã chịu chết cách đây hai ngàn năm. Vậy, anh em đừng tôn thờ vị Thiên Chúa lịch sử, nhưng hãy tỏ cho nhân loại thấy được Người đang sống trong anh em hôm nay như thế nào.“

Điều cao thượng và đáng kính nể nơi con người ông Mahatma Gandhi đã được thể hiện một cách rõ nét nhất không ở nơi nào khác hơn là qua những thất bại của ông. Sau khi dành lại được nền độc lập cho đất nước qua phương pháp kiên trì đấu tranh bất bạo động, các thành phần đối lập nhau trong xã hội Ấn Độ từng đã bị chế độ đô hộ của thực dân Anh đàn áp, thì nay quay lại thù địch với nhau và chống đối nhau kịch liệt, đến nỗi đã gây nên cuộc nội chiến đẫm máu giữa các tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Cuối cùng các tín đồ Hồi giáo đã cùng nhau lập riêng một nước mới tách ra khỏi Ấn Độ và lấy tên là Pakistan. Từ đó tạo nên một cuộc di dân vĩ đại trong lịch sử Ấn Độ: Khoảng sáu triệu tín đồ Ấn Độ giáo sống trong phần đất thuộc Pakistan di dời sang phần đất Ấn Độ và ngược lại cũng có khoảng sáu triệu tín đồ Hồi giáo ở phần đất Ấn Độ di dời sang phần đất Pakistan. Sau cuộc di dời dân vĩ đại này, vẫn còn khoảng bốn mươi triệu tín đồ Hồi giáo tiếp tục ở lại trong phần đất Ấn Độ. Trong khi đó, ở Pakistan chỉ có khoảng bảy phần trăm dân chúng không theo Hồi giáo, và thiểu số này đã triền miên bị đại đa số dân chúng theo Hồi giáo kỳ thị, đàn áp một cách dã man.

Nếu cuộc cách mạng bất bạo động của Mahatma Gandhi đã được cả thế giới vinh danh và giá trị tinh thần của nó đã vượt ra khỏi biên giới chủng tộc và tôn giáo, vì đã dành lại được quyền độc lập cho dân tộc Ấn Độ mà không cần phải chiến tranh, không cần phải đổ máu và chết chóc, thì nay đã bị một bọn chính trị gia xôi thịt và đầy tham vọng nhấn sâu vào trong biển máu và nước mắt. Họ đã ác tâm lợi dụng tôn giáo để gây hận thù hầu để đạt được mục đích đen tối của họ.

Trước tình hình đất nước rối ren, bất an và các tầng lớp dân chúng thù địch với nhau như thế, Mahatma Gandhi đã dùng uy tín thiên phú của cá nhân ông – Mahatma Gandhi đã luôn dứt khoát từ chối không nắm giữ bất cứ chức vụ nào trong các cơ quan nhà nước – để đứng lên phản đối những phe nhóm do báo chí kích động nổi lên khắp nơi. Ông đã không mỏi mệt rảo khắp đất nước rộng lớn để rao giảng hòa bình, để bênh vực những người bị đàn áp và để giúp những kẻ đàn áp biết sống và hành động đúng với lý trí và lương tâm của mình. Còn chính ông, ông đã hằng ngày ăn chay, cầu nguyện, trao đổi và nói tất cả mọi lý lẽ hợp tình hợp lý với quần chúng. Và ông đã thành công mỹ mãn ngoài mong ước.

Phó vương người Anh đang làm toàn quyền ở Ấn Độ lúc bấy giờ là Lord Mountbatton đã gọi ông Mahatma Gandhi là một „đạo-quân-một-người“, nghĩa là một mình ông Gandhi đã đạt được một cuộc chiến thắng mà một đạo quân với hàng chục ngàn người khó lòng đạt được: Thiết lập lại nền hòa bình cho đất nước. Trong khi đó, những người tín đồ Ấn giáo lại nhục mạ ông vì ông đã bênh vực những tín đồ Hồi giáo bị đàn áp bằng cách gọi ông là „tên hồi giáo Gandhi“ và „tên đầy tớ của những kẻ thù của dân tộc Ấn Độ.“ Những lời chửi bới nhục mạ ấy đã không mảy may hề hấn gì đến ông. Trái lại, ông đã vui vẻ nói: „Thiên hạ đã gọi tôi bằng tước hiệu của một Mahatma (Mahatma có nghĩa là một tâm hồn vĩ đại), còn những „tước hiệu“ họ mới đặt cho tôi cũng là những món quà cả. Tôi xin vui mừng đón nhận tất cả.“

Nếu khi còn sống, ông Gandhi luôn lấy việc cầu nguyện làm trọng tâm đời mình, thì bây giờ chính cuộc đời ông đã trở thành một lời cầu nguyện. Mỗi buổi chiều tà ông đều đi đến đền thờ cầu nguyện với các tín đồ khác và trong những giờ cầu nguyện ấy ông luôn trích đọc những đoạn trong sách thánh Ấn giáo, trong sách Co-ran của Hồi giáo hay trong sách Kinh Thánh Kitô giáo và ông đã cắt nghĩa các bài đọc ấy cho dân chúng nghe. Mỗi ngày có đến hàng ngàn người lũ lượt kéo nhau đến để tham dự những buổi cầu nguyện ấy và để nghe ông Gandhi cắt nghĩa các Sách Thánh của các tôn giáo. Những buổi cầu nguyện này đều được phát sóng trên các đài Radio của nhà nước.

Không lâu trước khi ông bị ám sát dã man, Mahatma Gandhi đã viết trên nguyệt san „Harijan“ trong số xuất bản ngày 7.12.1947: „Âu châu đã cắt nghĩa sai cuộc tranh đấu đầy khôn ngoan, bình tĩnh và can đảm của Đức Giêsu Na-da-rét và cho đó chỉ là một cuộc tranh đấu thụ động của một kẻ yếu đuối nhát đảm. Nhưng ngay khi tôi lần đầu tiên đọc cuốn Kinh Thánh Tân Ước, tôi không hề tìm thấy chỗ nào trong bốn Phúc Âm trình bày về sự yếu đuối hay nhát đảm của Đức Giêsu cả.“

Kết luận

Mahatma Gandhi không phải là một Kitô hữu, không phải là một Gu-ru, tức một thầy Sãi của Ấn giáo, cũng không phải là một ông thầy dạy giáo lý. Ông là một nhà chính trị luôn tranh đầu cho cuộc sống đầy nhân phẩm của con người. Ông luôn khắc khoải tìm kiếm chân lý trong và cho các hoạt động chính trị và đồng thời luôn tìm cách thanh luyện tâm hồn mình trong các buổi cầu kinh để luôn có được những tư duy chân thành, trong sáng và ngay chính trước Thượng Đế. Cuộc sống của ông là một sứ điệp cao cả. Có lần ông đã cười và nói: „Nhiều người đã bảo tôi là một vị thánh nhân luôn tìm cách làm một chính trị gia, nhưng trong thực tế lại hành động ngược lại.“

Nếu Đức Kitô đã khẳng định: „Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở“(Ga 14,2), thì chắc chắn một trong các chỗ ấy sẽ được dành cho Mahatma Gandhi, vì ông không thuộc những kẻ chỉ thưa „Lạy Chúa, lạy Chúa“, nhưng thuộc hàng ngũ những người „Thực hiện thánh ý Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời“ (Mt 7,21). Tuy ông không mang danh Kitô hữu, nhưng ông đã sống đúng tinh thần bác ái và công bằng của Phúc Âm. Tuy ông đã không được „tắm“ trong nước giếng rửa tội Kitô giáo, nhưng tâm hồn ông trong trắng, ngay thẳng và công chính trước tòa Đức Kitô

Người Ấn Độ tân tiến ngày nay luôn xưng tụng Mahatma Gandhi là một vị thánh nhân, đã tạc tượng và xây đền thờ để thờ kính ông, nhưng họ lại bỏ quên các sứ điệp quan trọng của ông. Còn tại các nước Âu Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, đa số dân chúng coi ông là một kẻ xa lạ. Nhưng cuộc sống, tư cách và những tư tưởng cao cả của Mahatma Gandhi là một sứ điệp quan trọng và cần thiết cho thế giới ngày nay hơn bao giờ hết.

(Sách tham khảo: Sigrid Grabner: “Mahatma Gandhi, Politiker, Pilger und Prophet”, Verlag Neues Leben, Berlin 1987)

Nguồn: Vietcatholic
Thông tin khác:
Dùng thời gian (15/01/2013)
Rực lửa tình (29/12/2012)
Tiếng gọi BELEM (17/12/2012)
Phép lạ Cana (20/01/2013)
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Chuẩn xứ Sử Pán - Sapa ngày Chầu Lượt lần đầu tiên
Chuẩn xứ Sử Pán - Sapa ngày Chầu Lượt lần đầu tiên
Trong tâm tình háo hức đợi chờ ngày được làm một việc mà bấy lâu mình toàn "đi ké" người ta, thì hôm nay, ngày 07.04.2024, Chúa Nhật II Phục sinh - Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, Chuẩn xứ Sử pán - Sapa đã có được ngày hồng ân đặc biệt này, ngày Chầu Lượt thay mặt giáo phận.
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log