Thứ ba, 19/03/2024

SƯU TẦM

Cập nhật lúc 17:30 09/08/2013
HÔM NAY NHÂN CÓ NGƯỜI NHẮC TỚI ÔNG HUGO CHAVÉZ, TỔNG THỐNG VENEZUELA, MÌNH "LANG THANG" VÀ GẶP MẤY BÀI VIẾT ĐÃ TỪ LÂU, XIN ĐĂNG LẠI ĐỂ CÙNG SUY NGHĨ


1

Quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Công giáo ở Venezuela: hiện tại và quá khứ



Venezuela, tên đầy đủ - Cộng hoà Venezuela Bolivariana (República Bolivariana de Venezuela) là một quốc gia Mỹ Latinh nằm ở phía bắc Nam Mỹ với diện tích 916.000 km2, dân số 24 triệu người (năm 2000), trong đó người theo Kitô giáo chiếm tới 93%([1]).

    Người đứng đầu Nhà nước hiện nay là Tổng thống Hugo Chavez. Ông được bầu lần đầu tiên vào năm 1998 với lời hứa đưa quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ này thành một nước “xã hội chủ nghĩa Giáo hội”.

Trong những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7/2010, báo chí Vatican đang rất quan tâm tới cái gọi là “cuộc chiến ngôn từ do Tổng thống Venezuela Hugô Chavez tiến hành, ngày càng trở lên gay gắt, nhằm chống lại Đức Hồng y Jorge Urosa Savino, Tổng giám mục Caracas”([2]). Theo Catholic News Service (CNS): “Mới đây Tổng thống Venezuela “đổ dầu vào lửa đối với mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội”, đáng chú ý nhất là những nhận xét được ông phát biểu trong buổi truyền hình trực tiếp lễ khai mạc kỉ niệm 200 năm đất nước giành được độc lập ngày 5 tháng 7”([3]). Nguyên nhân của mối bất hòa này, theo các phương tiện truyền thông của Vatican, là do các nhà lãnh đạo Công giáo tại Venezuela đã liên kết đứng ngay sau lưng Hồng y Jorge Urosa Savino để bảo vệ ngài khi ngài lên án Chính phủ Venezuela đóng cửa nhiều phương tiện truyền thông đã chỉ trích Tổng thống Hugo Chavez và kêu gọi Chính phủ nước này tôn trọng các quyền dân chủ được Hiến pháp đảm bảo. Cũng theo Carol Glatz trên tờ CNS, các nhà lãnh đạo Công giáo Venezuela thuộc số những người phê bình gay gắt nhất đối với các chính sách của Tổng thống Hugo Chavez. Họ đã cáo buộc Chính phủ Venezuela vi phạm các quyền công dân, để mặc tội phạm bùng phát và làm suy yếu nền dân chủ. Còn về phần mình, Tổng thống Hugo Chavez  lại tố cáo hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội Công giáo có tư tưởng chỉ coi trọng tầng lớp trên, trong khi đó ông lại đứng về phía những người thuộc tầng lớp dưới trong xã hội Venezuela.

Vậy sự thực của những lời buộc tội lẫn nhau này là thế nào, chúng ta hãy quay lại lịch sử nước này từ thời điểm những thập niên cuối thế kỉ XX đến nay.

Vào đầu những năm 90 thế kỉ XX, khi Hugo Chavez xuất hiện trên vũ đài chính trị của Venezuela, người dân nước này thường nghe thấy những tuyên bố của ông, đại loại như: “Tôi là người theo chủ nghĩa xã hội và theo học thuyết của Đức Giêsu Kitô, người xã hội chủ nghĩa đầu tiên, còn Giuđa là tên tư bản đầu tiên”([4]). Trong chiến dịch tranh cử năm 1998 Hugo Chavez nhắc đến Kinh Thánh nhiều lần giống như ông thường xuyên nhắc tới Hiến pháp của Venezuela. Theo lời ông, có một số lãnh tụ cách mạng đã cổ vũ ông hoạt động theo chủ nghĩa xã hội. Đó là các tên tuổi như Simon Bolivar, Che Ghevara, Fidel Castro, Tupac Amaru và một lần nữa ông lại nhắc tới Đức Giêsu Kitô. Hugo Chavez nói: “Đức Kitô chân chính là người giải phóng những người nghèo khổ, là một trong những người vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới những nhà cách mạng và những chiến sĩ chống lại bọn đế quốc”([5]). Còn vào năm 2002, khi giữ vững được chính quyền thoát khỏi một âm mưu đảo chính nhà nước, Hugo Chavez đã tuyên bố trước đám đông dân chúng đang hân hoan ăn mừng thắng lợi rằng: “Vương quốc của Đức Kitô, đó là vương quốc của sự công bằng, đoàn kết và hữu ái, đó là vương quốc của chủ nghĩa xã hội. Đó là vương quốc của đất nước Venezuela trong tương lai”([6]). Và mới đây vào ngày 14/7/2010, khi phát biểu trên đài truyền hình quốc gia Venezuela, Tổng thống Hugo Chavez lại một lần nữa khẳng định rằng, tuy ông là người theo chủ nghĩa xã hội, nhưng trước hết ông vẫn là một Kitô hữu. Đối với ông, chủ nghĩa xã hội “không phải là một giáo điều, mà chỉ là một phương pháp phân tích”. Theo ông, “Kitô giáo và chủ nghĩa xã hội cùng là một hiện tượng”

[7]

Từ những câu nói hay lời phát biểu trên của Hugo Chavez đã đưa chúng ta quay trở lại với những tư tưởng của “Thần học giải phóng” một thứ thần học rất thịnh hành ở Mỹ Latinh vào nửa sau thế kỉ XX. Khuynh hướng tư tưởng Công giáo này xuất hiện sau Công đồng Vatiacan II với mục đích hành động “vì lợi ích của người nghèo”. Trong các bài thuyết trình của mình các nhà thần học giải phóng đã gắn kết thuyết giáo trên Núi của Đức Kitô và học thuyết của Mác vào một dự án cải cách xã hội và Giáo hội mà sau này người ta gọi là “chủ nghĩa xã hội Giáo hội” hay “Chủ nghĩa xã hội Kitô giáo” (christian Socialism), một chế độ xã hội kết hợp giáo lí Kitô giáo với mục đích, tôn chỉ của chủ nghĩa xã hội để thích ứng với nhu cầu của cuộc sống hiện đại([8]). Theo các nhà thần học giải phóng, Giáo hội Công giáo cần phải đứng về phía những người nghèo khổ và những người bị áp bức trong cuộc đấu tranh vì những cải cách chính trị - xã hội. Thần học giải phóng đóng vai trò nổi bật trong các phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Mỹ Latinh những năm 70- 80 thế kỉ XX và nhiều giáo sĩ Công giáo đã tham gia vào phong trào này.

Đồng thời cùng với các phong trào này, vào những năm 60 của thế kỉ XX ở nhiều nước Mỹ Latinh đã xuất hiện “các công xã Kitô giáo cơ sở”, đó là những hình thức “Giáo hội nhân dân” của người nghèo. Thông thường những “Giáo hội” kiểu này không có liên hệ với các tổ chức Giáo hội Công giáo chính thức và được nuôi dưỡng bằng những tư tưởng của thần học giải phóng. Các công xã như vậy tồn tại ở các nước Mỹ Latinh với các tên gọi khác nhau như: “Các Kitô hữu vì chủ nghĩa xã hội”, “Công xã cách mạng” hay “Các Kitô hữu cơ sở”.

Dưới thời của mình, Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Hồng y Joseph Ratzinger đã phát động một chiến dịch mạnh mẽ chống lại trào lưu thần học giải phóng. Các ngài đã lên tiếng phê phán các nhà truyền giáo sử dụng tôn giáo để biện minh cho hoạt động cách mạng. Kết quả của chiến dịch này là vào năm 1984 tư tưởng Công giáo tả khuynh đã bị Tòa thánh Vatican chính thức lên án.

Về mặt tư tưởng, nhiều tuyên bố của Hugo Chavez trùng hợp với các giáo thuyết của thần học giải phóng. Ông thường gọi Đức Giêsu Kitô là người cứu chuộc, là người giải phóng, là người của người nghèo, là người xã hội chủ nghĩa vĩ đại nhất. Hugo Chavez tuyên bố: “Chúng ta bước theo những bước chân của Đức Kitô và khẳng định rằng, trong quá trình cách mạng của chúng ta Đức Kitô của những người cùng khổ là một tấm gương vĩ đại nhất trong cuộc đấu tranh vì phẩm giá của con người”([9]).

Giáo sĩ Dòng Tên Jose Gaso đã từng gọi Hugo Chavez “là nhà truyền giáo tốt nhất, bởi vì ông tin vào điều mà ông cảm nhận và ông có tình yêu chân thành đối với mọi người và đối với Đức Giêsu”([10]).

Ngày nay nhiều người cho rằng, thần học giải phóng không còn ảnh hưởng lớn trong tư tưởng xã hội Mỹ Latinh như lúc mới ra đời và người vận dụng nó không phải là những nhà chính trị cấp tiến cánh tả. Tuy nhiên, cũng khó nói rằng Hugo Chavez đang phục hưng những tư tưởng của thần học giải phóng. Trong quan niệm của Hugo Chavez về “chủ nghĩa xã hội thế kỉ XXI” có một phần nào đó nhắc lại tư tưởng “sự lựa chọn vì mục đích của người nghèo” trong thần học giải phóng. Nhưng rất khó tách bạch trong tư tưởng của ông đâu là tôn giáo, đâu là dân tộc và đại chúng. Theo ý kiến của Emil Dabagian, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chính trị của Viện nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, “không thể coi Chavez là người tiếp tục những tư tưởng của thần học giải phóng. Ông sử dụng Đức Kitô cho những mục đích chính trị của mình”(

 

[11]).

Bản thân nhà lãnh đạo cao nhất của Venezuela cũng làm nóng lên cuộc tranh luận về những quan điểm tôn giáo của riêng mình bằng những lời nói trái ngược nhau. Khi trở thành Tổng thống, Hugo Chavez đã cho phép các tổ chức của đạo Tin lành tiến hành giảng dạy tôn giáo trong các trường học. Năm 2002 ông thông báo với báo chí rằng ông là một thành viên tích cực của Giáo hội Tin lành phái Phúc Âm. Ngay sau đó ông lại tuyên bố rằng, tuy ông có thiện cảm với những người Tin lành phái Phúc Âm nhưng ông vẫn là một tín đồ Công giáo. Năm 2008, trên báo chí lại xuất hiện thông tin rằng Hugo Chavez ủng hộ Giáo hội Công giáo Cải cách Venezuela. Đây là một tổ chức Công giáo phi quan phương cho phép kết hôn đồng giới, cho phép li hôn và hủy bỏ quy định đời sống độc thân đối với các giáo sĩ Công giáo.

Mặc dù có những phát biểu công khai trước công luận về khuynh hướng Kitô giáo của mình, nhưng quan hệ giữa người đứng đầu Nhà nước Venezuela hiện nay với giới tu sĩ Công giáo của nước này vẫn luôn ở trong tình trạng rất căng thẳng. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì trong hoạt động của mình với tư cách là Tổng thống của Venezuela, Hugo Chavez đã cắt giảm một nửa trợ cấp của Nhà nước cho Giáo hội Công giáo nước này.

Người thường xuyên phê phán Hugo Chavez là Hồng y Rosalio Castilio Lara, người đã có lần gọi Tổng thống là “nhà độc tài hoang tưởng”, người đã phá vỡ nền dân chủ ở Venezuela. Về phần mình, Hugo Chavez cũng không ngần ngại lên án đối thủ của ông. Ông gọi những giám mục đã phê phán ông là “những con quỷ”, còn Giáo hội Công giáo là “khối u” và khẳng định rằng, giới tu sĩ Công giáo đang tham gia vào một âm mưu chống lại Chính phủ của ông. Mới đây, như đã nêu ở phần đầu bài viết này, khi phê phán đường lối lãnh đạo đất nước của Hugo Chavez, Hồng y Jorge Urosa Savino, Tổng giám mục Caracas cho rằng “Tổng thống đang đưa đất nước đi xuống con đường xã hội chủ nghĩa macxit và tạo ra chế độ độc tài”([12]). Hugo Chavez đã không ngần ngại gọi vị Hồng y này là “con lợn” và ví ông giống như “người sống trong hang, gân cổ dọa dẫm dân chúng về cộng sản”([13]). Ông nói tiếp: “Chủ nghĩa cộng sản và đạo Công giáo có thể nắm tay nhau cùng bước đi. Thế nhưng chúng ta đang bước đi ngon lành thì ông Hồng y này xuất hiện và làm cho nhân dân đâm ra e sợ chủ nghĩa cộng sản, làm như là chúng tôi đã có cả một nghị trình theo chủ nghĩa cộng sản rồi không bằng.”([14]) Trước đó, năm 2006, đáp lại lời phê phán của Hồng y Oscar Rodriges Maradiaga đến từ Honduras đối với chế độ mới ở Venezuela do Hugo Chavez lãnh đạo, Tổng thống đã gọi vị Hồng y này là “thằng hề của chủ nghĩa đế quốc” và là “con vẹt”. Tất nhiên sau đó ông đã buộc phải có lời xin lỗi đối với vị Hồng y này([15]).

Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo ở Caracas thường xuyên phê phán Hugo Chavez thiếu những chương trình kinh tế, xã hội có hiệu quả và xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỉ XXI” không tính đến ý kiến của người dân. Sự lo sợ của Giáo hội Công giáo Venezuela nằm ở chỗ nước này đang ngày càng xích gần lại với đất nước Cuba, trong đó có việc Venezuela mời hàng nghìn công dân Cuba tới nước họ để làm công tác khoa học và công tác xã hội. Theo ý kiến của giới tăng lữ Venezuela, tất cả điều đó sẽ dẫn đến việc truyền bá mô hình tư tưởng Cuba vào Venezuela. Về phần mình, ngày 14/7/2010, phát biểu trên Đài Truyền hình Quốc gia, Tổng thống Hugo Chavez khẳng định rằng, không phải Liên Xô, không phải Cuba, không phải một nước xã hội chủ nghĩa nào khác trước đây cũng như hiện nay là hình mẫu cho chủ nghĩa xã hội Bolivar mới của ông.([16]) Hugo Chavez cũng đã nhiều lần làm cho giới tăng lữ cao cấp của nước này hiểu rõ rằng, ông không cần quan tâm tới ý kiến của họ và nói rằng, Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo Venezuela hãy quan tâm đến các vấn đề tôn giáo của họ, chứ đừng tham gia vào các vấn đề chính trị của Nhà nước.

Sự chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa ở Venezuela của Giáo hội Công giáo không chỉ dừng lại ở lời nói, hay nói theo cách nói của Catholic News Service, “cuộc tấn công bằng ngôn từ”. Các thành viên của một tổ chức Công giáo có tên là “Opus Die” đã tham gia vào một âm mưu nhằm thực hiện một cuộc đảo chính lật đổ Hugo Chavez vào năm 2002, nhưng đã bị bại lộ. Hồng y Jose Ignasio Velasco lúc đó là một trong số những người đã kí sắc lệnh về sự chuyển giao chính quyền tổng thống cho nhà kinh doanh Pedro Carmona và do vậy hình ảnh Giáo hội Công giáo Venezuela đã bị tổn thương đáng kể giữa những người dân thường Venezuela, mà đa số họ đều là những người ủng hộ Hugo Chavez.

Còn trong quan hệ trực tiếp với Tòa thánh Vatican, nhìn chung, cả Tòa thánh và Hugo Chavez đều chưa bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ các cuộc tiếp xúc chính thức. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hai lần tiếp Hugo Chavez trong các năm 2000 và 2002. Lúc đó cả hai cùng gặp nhau ở quan điểm lên án cuộc chiến tranh Irắc. Mặc dù Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần bày tỏ lo ngại về “tình hình bất ổn ở Venezuela và sự đe dọa nghiêm trọng nền dân chủ” và Ngài đã tuyên bố rằng, “nền dân chủ không có giá trị sẽ trở thành chế độ quyền uy (autoritarism)”, nhưng Hugo Chavez đã công khai bày tỏ sự kính trọng của mình đối với Gioan Phaolô II và sau khi Ngài qua đời năm 2005, Venezuela đã để quốc tang trong 5 ngày.

 Khi lên ngôi, Giáo hoàng Benedicto XVI đã lên tiếng nói về “sự mở đầu kỉ nguyên mới trong quan hệ giữa Giáo hội Công giáo với Chính phủ Venezuela”. Năm 2006 trong chuyến viếng thăm Vatican của Hugo Chavez, Tổng thống Venezuela đã tặng Giáo hoàng Benedicto XVI một bức chân dung lớn của Simon Bolivar, anh hùng đấu tranh vì nền độc lập của Venezuela và thông báo rằng chính tại Rôma vào năm 21 tuổi Simon Bolivar, một tín đồ Công giáo, chứ không phải là một người vô thần như người ta từng nghĩ, đã thề giải phóng Nam Mỹ khỏi chính quyền thực dân Tây Ban Nha.

Hugo Chavez đã nhận được thư của Tòa thánh Vatican bày tỏ sự lo ngại về tình hình của Giáo hội Công giáo ở Venezuela. Tổng thống hứa hẹn sẽ cố gắng làm cho tình hình lắng dịu và khẳng định với Giáo hoàng Benedicto XVI rằng, xung đột giữa Chính phủ Venezuela với Giáo hội Công giáo ở nước này sẽ được hạn chế bởi “thời gian, không gian và những cá nhân”, điều đó có nghĩa là cuộc xung đột này sẽ không vượt ra khỏi phạm vi của một nhóm nhỏ người. Sau chuyến công du Vatican, Hugo Chavez tuyên bố rằng, “cuộc cách mạng Bolivar là một cuộc cách mạng rất Kitô giáo”, còn Fidel Castro, người bạn của ông, người đã cùng ông “nói nhiều về Đấng Kitô, cách đây không lâu đã nói rằng, ông là một Kitô hữu về phương diện xã hội”([17]).

Một vấn đề được đặt ra ở đây là: Tại sao đại đa số người dân theo Công giáo ở Venezuela lại ủng hộ Hugo Chavez chống lại Giáo hội Công giáo quan phương ở nước này? Câu trả lời rõ ràng ở đây là, trong cương lĩnh chính trị của mình, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez dựa trước hết vào những tầng lớp dân cư nghèo khổ. Còn Giáo hội Công giáo ở Mỹ Latinh lại luôn gắn với những chủ sở hữu lớn và những tổ chức ủng hộ các lực lượng chính trị bảo thủ. Giới tăng lữ cao cấp luôn sống xa rời nhân dân giống như giới thượng lưu chính trị. Chính vì vậy mà ở khu vực này đã xuất hiện và trở nên phổ biến cái gọi là “thần học giải phóng” và “Giáo hội nhân dân” chống lại giới thượng lưu. Công giáo ở Venezuela không đồng nhất và ngày nay nó phân liệt thành hai phái. Một bên là một tổ chức Công giáo rất bảo thủ, còn bên kia là một tôn giáo bình dân mang tính chiết trung, kết hợp cả yếu tố Công giáo và yếu tố Indian (yếu tố da đỏ). Do vậy, ý kiến của Hội đồng Giám mục Công giáo bảo thủ ngày nay đối với quần chúng nhân dân thường không có tính thuyết phục bằng những lời tuyên bố của một tổng thống có uy tín hứa hẹn mang lại cho họ một xã hội công bằng ở ngay trong đời sống hiện tại.

Hiện thực chính trị hiện nay, ở Mỹ Latinh đang đặt Giáo hội Công giáo trước những điều kiện mới. Bắt đầu từ cuối thế kỉ XX cho tới hiện nay, từ chỗ là thành trì của Công giáo, chính quyền nhà nước ở Mỹ Latinh đã chuyển dần về tay các lực lượng chính trị cánh tả: năm 1998 ở Venezuela, năm 2002 ở Argentina, năm 2002 và 2006 ở Brasil, năm 2005 ở Bolivia và Uruguay, năm 2006 ở Ecuador và Nicaragua, năm 2008 ở Paraguay. Còn ở Peru và Mexico vào năm 2006 tuy lực lượng cánh tả chưa giành được thắng lợi nhưng cũng đã thu hút được gần nửa số cử tri. Hơn thế nữa, Tổng thống mới của Paraguay, ngài Fernando Lugo, trước đây đã từng là một giáo sĩ Công giáo, nay công khai tuyên bố về sự trung thành của mình đối với “thần học giải phóng”.

Ngược lại với Venezuela, địa vị của Giáo hội Công giáo ở Colombia khá ổn định. Ở các nước khác như Brasil, Uruguay, Chile, tuy lãnh đạo các nước này cùng chung sống với tầng lớp cao cấp của Giáo hội Công giáo nhưng họ đều tuyên bố không can thiệp vào công việc của nhau. Còn ở Cuba, bắt đầu từ chuyến tông du của Giáo hoàng Gioan Phaolô II tới hòn đảo này năm 1998 và cuộc gặp gỡ lịch sử với Chủ tịch Fidel Castro, các cuộc đàm phán của đại diện Tòa thánh Vatican và Giáo hội địa phương với ban lãnh đạo Cuba đã được tiến hành, quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội ở nước này đã được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt mới đây, ngày 19 tháng 5 năm 2010 tại Cuba đã diễn ra một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các giám mục Công giáo Cuba với Chủ tịch Raul Castro Ruz. Tham gia cuộc gặp gỡ này có Hồng y Jaime Ortega, Tổng giám mục La Havana và Dionisio Garcia, Tổng giám mục Santiago de Cuba, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Cuba. Về phía Nhà nước Cuba có Chủ tịch Raul Castro Ruz và ông Caridad Diego Bello, phụ trách Văn phòng Tôn giáo của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Cuba. Theo đánh giá của Hồng y Jaime Ortega, cuộc gặp gỡ đã có những kết quả tích cực, một tiến trình “trao đổi đã khởi sự rất tốt” về các vấn đề quốc gia. Cuộc gặp gỡ đó có tầm quan trọng lớn, vượt khỏi các khái niệm cũ để đi vào khái niệm mới xuất phát từ chính bản tính của Giáo hội Công giáo và của sứ vụ của Giáo hội này trong xã hội. Tuy cuộc trao đổi , theo Hồng y Jaime Ortega, không nằm trong mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước nhưng hi vọng sẽ “mở ra một thời kì mới” cho mối quan hệ này([18]).

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, ở nhiều nước Mỹ Latinh với chế độ chính trị cánh tả như Venezuela, và những nước có thái độ thiện cảm đối với chính phủ của Hugo Chavez như Bolivia, Ecuador, Nicaragua quan hệ giữa Giáo hội Công giáo với chính quyền nhà nước vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết.

Một vấn đề khác được đặt ra ở Mỹ Latinh nói chung và Venezuela nói riêng, đó là: Trong những xã hội đang có nhiều biến động như hiện nay, người dân sẽ chọn cho mình tín ngưỡng, tôn giáo nào? Nhiều người dân Mỹ Latinh thường nói: “Giáo hội Công giáo chọn người nghèo, còn người nghèo lại chọn những người theo giáo phái Ngũ Tuần”. Thật vậy, hiện nay ở khu vực này đạo Tin lành đang là đối thủ cạnh tranh chính với Giáo hội Công giáo. Trong lúc những người Công giáo đang mải mê với đấu tranh chính trị và chống lại những cuộc cải cách xã hội thì những tín đồ của đạo Tin lành lại tiến hành truyền giáo rất hiệu quả. Họ giành giật tín đồ từ Giáo hội Công giáo. Và cùng với thời gian họ cũng đã trở thành những nhà hoạt động chính trị tích cực. Thí dụ, ở Guatemala, một đất nước có nhiều tín đồ đạo Tin lành nhất ở Mỹ Latinh, đã có hai tổng thống là tín đồ đạo Tin lành. Ở một loạt quốc gia khác, đặc biệt là ở Brasil, trong 15 năm trở lại đây một bộ phận tín đồ đạo Tin lành đang ngả theo các lực lượng chính trị cánh tả. Họ đứng về phía lực lượng đối lập với Giáo hội Công giáo và tuyên bố những tư tưởng về công bằng xã hội. Nhiều thủ lĩnh của các lực lượng chính trị cánh tả đã trở thành tín đồ của các Giáo hội Tin lành và tiếp tục cuộc đấu tranh chính trị của mình.

Ở Venezuela, quan hệ của Tổng thống Hugo Chavez với các tín đồ đạo Tin lành trước đây vẫn luôn diễn ra rất tốt đẹp. Nhưng tình hình bỗng dưng xấu đi một cách nghiêm trọng khi vào năm 2005 nhà truyền giáo Tin lành Mỹ Pet Robertson đã phát biểu trên truyền hình kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ tử hình Hugo Chavez. Mặc dù sau đó nhà truyền giáo này đã có lời xin lỗi, nhưng Hugo Chavez vẫn ra lệnh đuổi New Tribes, một tổ chức truyền giáo Tin lành lớn của Mỹ, ra khỏi Venezuela và gọi những thành viên của tổ chức này là “những tên gián điệp của chủ nghĩa đế quốc”. Giáo hội Công giáo Venezuela đã hoan nghênh động thái này, còn nhiều tín đồ đạo Tin lành cho đến nay vẫn phê phán Hugo Chavez. Mặc dù vậy, Hugo Chavez vẫn giữ được sự mến mộ của các tín đồ đạo Tin lành đối với ông nhờ sự thiên vị của ông đối với tôn giáo này và sự phê phán của ông đối với Giáo hội Công giáo. Đặc biệt, trong những năm gần đây, mặc dù có phần thận trọng hơn, nhưng những người theo giáo phái Ngũ Tuần vẫn dành cho Tổng thống Hugo Chavez những sự ủng hộ không hề thay đổi.

Bên cạnh việc truyền bá đạo Tin lành với các hình thức khác nhau, ở Mỹ Latinh cũng xuất hiện những khuynh hướng tín ngưỡng khác làm cho đời sống tôn giáo ở khu vực này thêm đa dạng. Một mặt, ngày càng có nhiều người tuyên bố họ không thuộc về một truyền thống tinh thần nào. Mặt khác, sự gia tăng tinh thần dân tộc ở Mỹ Latinh dẫn tới việc truyền bá các tín ngưỡng bản địa “tiền Colombo” và điều này nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo nhiều nước trong khu vực. Thậm chí, tháng 5 năm 2007 Hugo Chavez đã yêu cầu Giáo hoàng Benedicto XVI xin lỗi các thổ dân châu Mỹ khi ngài nói rằng “Kitô giáo không áp đặt các nền văn hóa khác”, và việc phục hưng các tín ngưỡng “tiền Colombo” là “một bước thụt lùi”([19]). Hugo Chavez đã thẳng thừng bác bỏ: “Sự xâm chiếm (conquista) không phải là sự truyền bá Kitô giáo, nó là một tội ác lớn hơn cả sự hủy diệt (holocaust)([20]).

Việc đình chỉ giảng dạy tôn giáo trong các trường học ở Venezuela vào năm 2009, theo nhận xét của giới tăng lữ nước này, là cuộc tấn công cuối cùng vào vai trò của Giáo hội Công giáo Venezuela. Đây cũng là sự kết thúc vai trò chi phối nhiều thế kỉ của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực giáo dục. Trong những điều kiện như vậy, Hội đồng Giám mục Venezuela chỉ còn cách liên tục đưa ra những tuyên bố về “tinh thần chống tôn giáo đang gia tăng và sự truyền bá tư tưởng macxit vô thần”([21]) ở đất nước Mỹ Latinh này. Hiện nay, Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo ở Venezuela vẫn đang là một trung tâm có ảnh hưởng lớn nhất chống lại Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez. Còn về phía Chính phủ , việc tuyên truyền cho người dân Venezuela những tư tưởng của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội vẫn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Những người lãnh đạo của nước này đang cố gắng dung hợp những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội với những tư tưởng của Kitô giáo. Điều quan trọng ở đây không phải là việc sử dụng những tình cảm tôn giáo cho những mục đích chính trị, cũng không phải là sự cố gắng biến lợi ích tôn giáo thành lợi ích dân tộc chủ nghĩa, mà là ở chỗ liệu Giáo hội Công giáo, các giáo phái Tin lành và các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng khác có muốn tìm và có thể tìm cho mình một vị trí xứng đáng trong công cuộc xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỉ XXI”, một xã hội vì những người nghèo khổ ở Venezuela hay không? Câu hỏi vẫn chưa có lời giải. /.

TS Nguyễn Văn Dũng



*. TS., Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

[1] Xem: Từ điển Bách khoa Việt Nam, T. 4, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2005, tr. 853

2. Carol Glatz. Đức Hồng y Tổng giám mục Caracas trở thành mục tiêu của cuộc tấn công bằng ngôn từ. Catholic News Service. Bản dịch của http://www. hdgmvietnam. org/Truy cập ngày 12.07.2010.

[3] Carol Glatz. Bài đã dẫn

[4] Trích theo: Elena Demidova. Venezuela tin vào ai. Báo Độc lập – Tôn giáo, ngày 7 tháng 7 năm 2010 . Truy cập http://religion.ng.ru/politic/2010-07-07/5 Venesuela.html

[5] Trích theo: Elena Demidova. Bài đã dẫn

[6]. Trích theo: Elena Demidova. Bài đã dẫn

[7] . Theo Vladislav Malxev. Đấng Cứu thế của Venezuela. Báo Độc lập – Tôn giáo, ngày 21 tháng 7 năm 2010, truy cập http://religion.ng.ru/events/2010-07-21/ Venesuela.html.

[8] Xem: Trần Nghĩa Phương. Thuật ngữ tôn giáo (Anh – Việt – Pháp). Nxb. KHXH, 2001, tr.70.

[9] Trích theo: Elena Demidova. Bài đã dẫn

[10] Trích theo: Elena Demidova. Bài đã dẫn

[11] Trích theo: Elena Demidova. Bài đã dẫn

[12]. Carol Glatz. Bài đã dẫn

[13]. Carol Glatz. Bài đã dẫn

[14] . TrÝch theo: Dominic David Tran. Hµng Gi¸m môc Venezuela ph¶n b¸c l¹i nh÷ng luËn ®iÖu tÊn c«ng cña Tæng thèng Chavez nh»m vµo §øc Hång y Urosa. Viecatholic News, 07 Jul 2010.

[15]. Elena Demidova. Bài đã dẫn

[16] . Theo: Vladislav Malxev. Bµi ®· dÉn.

[17] Trích theo: Elena Demidova. Bài đã dẫn

[18] Xem thêm: Zenit. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các giám mục và Chủ tịch Raul Castro. Bản dịch của http://hdgmvietnam.org/ Truy cập ngày 25.05.2010.

[19]. Trích theo: Elena Dimidova. Bài đã dẫn

[20]. Trích theo: Elena Dimidova. Bài đã dẫn

[21]. Trích theo: Elena Dimidova. Bài đã dẫn




2

Căng thẳng giữa Giáo Hội và Venezuela chấm dứt với việc Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá trên trán tổng thống Nicolás Maduro



NGUỒN: conggiao.info


 

Sáng thứ Hai 17 tháng 6, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến ngoại giao có thể được mô tả là khó khăn nhất kể từ khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng . Đức Thánh Cha Francis đã tiếp tân tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela, là quốc gia hiện đang trải qua những biến động xã hội và chính trị kể từ cái chết của Tổng thống Hugo Chavez.

PopeFrancis-17Jun2013-01.jpg


Trong quá khứ, mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Venezuela đã rất căng thẳng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa cho không khí bớt căng thẳng và tổng thống Maduro tỏ ra khá thân thiện cho nên từ lời chào chính thức, không khí đã có vẻ thoải mái.

-Chào buổi sáng, thưa ngài tổng thống.

-Rất vui được gặp Đức Thánh Cha, con rất vui.

Trong cuộc họp kéo dài 20 phút, hai vị đã nói về tình hình ở Venezuela sau cái chết của Hugo Chávez. Các chủ đề như cuộc chiến chống tội phạm, buôn bán ma túy và nghèo đói cũng đã được đề cập. Đức Giáo Hoàng và tổng thống Maduro cũng thảo luận về vai trò của Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức bác ái của Giáo Hội tại Venezuela.

Cả hai vị đã nói đùa để không khí thân thiện hơn.

Tổng thống nói:

-Đức Thánh Cha có vẻ gầy hơn là nhìn trong các hình ảnh.

-Ngài biết đấy, đó là truyền hình biến dạng ra ... Tôi không bao giờ trang điểm!

Ngay cả lúc Đức Giáo Hoàng chào đón đoàn tùy tùng của tổng thống Nicolás Maduro, ngài đã không để mất cơ hội để đưa ra những nhận xét hài hước.

Tổng thống giới thiệu:

- Đây là Đô đốc đầu tiên của hạm đội Venezuela.

-Trọng kính Đức Thánh Cha, thật là một vinh dự lớn. Con có thể hôn nhẫn của ngài không?

-Hãy cầu nguyện cho tôi.

- Dạ vâng.

Đức Thánh Cha nói:

-Cầu nguyện cho tôi, đừng chống lại tôi, OK?

- Không, con luôn ủng hộ Đức Thánh Cha!

Đức Giáo Hoàng đã nhận được bức ảnh Đức Mẹ Coromoto, bổn mạng của Venezuela, một tờ in đá của Simon Bolivar và một tác phẩm điêu khắc của José Gregorio Hernández, là một bác sĩ đã sống tại thủ đô Caracas của Venezuela mà quá trình phong chân phước hiện đang được tiến hành. Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đã tặng tổng thống Maduro một cây bút màu trắng khắc hình bảo tàng viện Vatican và một bản sao những kết luận đưa ra sau Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La Tinh tại Aparecida.

-Nhìn vào mục lục và đọc chương này tổng thống sẽ thấy rất thú vị vì giá trị của nó. Tôi đã ở trong ủy ban soạn thảo kết luận chung thẩm này. Đó là một tiếng kêu cứu từ châu Mỹ La tinh.

Vào cuối cuộc họp Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành cho Tổng thống Venezuela bằng cách ghi dấu thánh giá trên trán.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trước tình trạng bất ổn chính trị ở Venezuela, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một lời kêu gọi đặc biệt vào trưa Chúa Nhật 21 tháng Tư, sau khi ngài đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng chung với các tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha nói rằng Ngài lo lắng về tình trạng bất ổn, và kêu gọi các nhà lãnh đạo Venezuela hãy tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra ở Venezuela. Tôi lo ngại sâu sắc, cầu nguyện liên lỉ và hy vọng rằng họ sẽ tìm ra phương cách đúng đắn và hòa bình, để vượt qua các khó khăn nghiêm trọng mà đất nước đang trải qua. Tôi mời gọi người dân thân yêu của Venezuela, và đặc biệt là các nhà hoạch định thể chế và chính khách hãy từ chối mạnh mẽ bất cứ hình thức bạo lực nào, và thiết lập một cuộc đối thoại dựa trên sự thật, sự công nhận lẫn nhau, lợi ích chung và tình yêu đất nước".

Ngay sau lời tuyên bố của Đức Thánh Cha, cả Tổng thống đắc cử Nicolas Maduro, và nhà lãnh đạo đối lập, Henrique Capriles, đã cám ơn Đức Thánh Cha.

Tổng thống tân cử Maduro gửi tin nhắn của mình trên Twitter: @ NicolasMaduro: "Tôi đồng ý với Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi đang quan tâm về sự không khoan dung, hận thù và bạo lực vốn gây ra nhiều thương vọng. Cùng với Ngài, trọng kính Đức Thánh Cha, chúng ta cầu khẩn Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc và Thánh Phanxicô Assisi hãy bảo vệ người dân và ban hòa bình, cùng với lời chúc lành của Đức Thánh Cha. Xin cho đất nước sớm có hoà bình”.

Còn ông Henrique Capriles, nhà lãnh đạo phe đối lập, cho biết rằng ông chỉ công nhận cuộc bầu cử sau khi có cuộc kiểm phiếu lại. Ông cũng trả lời cho Đức Thánh Cha thông qua mạng xã hội. @ Hcapriles: "Xin triệu lần cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về việc Ngài lưu tâm đến Venezuela, và việc tìm kiếm các giải pháp dựa trên cơ sở sự thật".

Đức Hồng Y Jorge Urosa của Venezuela cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã cầu nguyện cho Venezuela, và nói rằng "Hội đồng Giám mục Venezuela muốn đóng một vai trò trung gian hòa giải để thúc đẩy đối thoại".

Các Giám mục Venezuela kêu gọi mọi người bình tĩnh, sau khi Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia công bố một cuộc kiểm toán về cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống mới đây.

Theo kết quả ban đầu, ông Nicolás Maduro, phó tổng thống của cố tổng thống Hugo Chávez đã đánh bại lãnh tụ đối lập Henrique Capriles Radonski với một tỉ lệ sít sao chỉ là 2%. Ông Maduro đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Các Giám mục Venezuela nói trong một tuyên bố là kết quả bầu cử cho thấy "sự phân cực chính trị rất rõ ràng, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Venezuela",

Các giám mục nói tiếp: "Nhân danh Chúa, chúng tôi khuyên các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội hãy loại trừ sự công kích, nói xấu lẫn nhau, và những thứ ngôn ngữ kích động, nhằm tránh cuộc chiến đường phố, thường dẫn đến các hành vi bạo lực và đôi khi dẫn đến cái chết nữa, để lắng nghe Lời Chúa đang mời gọi đối thoại và hòa giải".

Căng thẳng giữa Giáo Hội và nhà nước Venezuela đã xảy ra chủ yếu dưới thời Hugo Chavéz. Thật ra khi mới được bầu lên làm tổng thống, Chavez và Hội Ðồng Giám Mục có mối giao hảo tốt. Y luôn tuyên bố y là người Công Giáo, có chủ trương cải cách xã hội và chủ trương không phá thai. Tuy nhiên, mối giao hảo bị suy đồi dần khi các Ðức Giám Mục chống lại bản dự thảo hiến pháp dành quá nhiều quyền cho Chavez và đường lối đưa đất nước vào con đường chủ nghĩa xã hội.

Chavéz là một người rất đa nghi và luôn cho rằng các Đức Giám Mục Venezuela đang trù định một cuộc đảo chính. Y thường đáp lại các chỉ trích của các Đức Giám Mục Venezuela một cách rất không tương xứng và thiếu lễ độ.

Chẳng hạn như hôm 17/7/2005, tổng thống Hugo Chávez đã đùng đùng nổi giận sau khi nhật báo El Universal của Venezuela đăng bài phỏng vấn Đức Hồng Y Rosalio Castillo Lara. Y đã lên radio và truyền hình mắng chửi Đức Hồng Y Castillo Lara là "kẻ cướp" và "vô luân" và cho rằng Đức Hồng Y có "con quỷ bên trong". Thực ra, trong bài phỏng vấn, Đức Hồng Y chỉ đưa ra một nhận định đã được Hội Đồng Giám Mục Venezuela lên tiếng nhiều lần. Đức Hồng Y nói rằng xã hội Venezuela hiện nay đang trải qua một nền dân chủ "phù phiếm".

Đức Hồng Y Castillo Lara nói: "Tôi xác tín rằng đang có một chế độ độc tài ngự trị tại đây. Tôi đang đề cập đến tính chuyên chế và việc thực thi các quyền hành tùy tiện đã được thu tóm trong tay một cá nhân".

Bài phỏng vấn Đức Hồng Y Castillo đã được thực hiện sau bản tuyên bố chung của Hội Đồng Giám Mục Venezuela đưa ra hôm 16/7/2005, sau khóa họp thường niên. Trong bản tuyên bố này, các Đức Giám Mục Venezuela kêu gọi toàn dân đừng để cho hệ thống tư pháp nước này "áp đặt quyền hạn bất chính và sự trừng phạt đối với những người đối lập". Bản tuyên bố cũng cảnh cáo quốc hội đang thông qua những luật lệ mà không lý gì đến các kết quả điều tra dư luận. Bản tuyên bố có những lời lẽ mạnh mẽ như "Đang có những kẻ mưu toan giải quyết các dị biệt bằng cách đàn áp và bằng việc áp đặt quyền lực tùy tiện hay bằng các lực lượng vũ trang".

Trong cuộc phỏng vấn với báo El Tiempo hôm 31/7/2005, Đức Hồng Y mạnh mẽ tố cáo chế độ Hugo Chávez giam cầm trái phép hơn 100 chính trị gia đối lập và tra tấn một số người trong họ. Điều mỉa mai là Chávez luôn nhấn mạnh rằng chế độ của y là một chế độ dân chủ "gấp triệu lần dân chủ" ở các nước khác và ông ta được đông đảo dân chúng ủng hộ (Những người đã từng sống ở Việt Nam, Trung quốc, Cuba và các nước cộng sản khác có lẽ chẳng xa lạ gì với luận điệu này).

 

Đặng Tự Do

 

PopeFrancis-17Jun2013-02.jpg

PopeFrancis-17Jun2013-03.jpg

PopeFrancis-17Jun2013-04.jpg






     Sáng ngày 10-01-2011, trong cuộc gặp gỡ với đại diện của 181 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại giao với Toà thánh Vatican, Giáo hoàng Benedicto XVI khi đề cập đến tình hình Việt Nam đã nói: “Tôi muốn nêu lên và bày tỏ sự hài lòng với chính quyền Việt Nam đã đồng ý việc tôi chỉ định một vị đại diện qua những chuyến viếng thăm sẽ thể hiện mối quan tâm của đấng kế vị thánh Phêrô đối với cộng đoàn Công giáo thân yêu của đất nước này”.

            Ngày 13-01-2011, Toà thánh chính thức bổ nhiệm TGM Leôpold Girelli, 58 tuổi, người Italia hiện đang là Khâm sứ Toà thánh tại Indonesia làm đại diện không thường trực của Vatican tại Việt Nam. Trước sự kiện này, trên trang Asia Times.com ngày 03-02-2011 đã đăng bài của nhà báo Roberto Tofani “God and state draw closer in Vietnam” (Chúa và Nhà nước Việt Nam đã gần nhau hơn). Nhân dịp này, chúng ta hãy nhìn lại mối quan hệ Việt Nam – Vatican trong quá khứ về cả mặt Giáo hội và Nhà nước.

1- Quan hệ Việt Nam – Vatican về mặt Giáo hội
 
Giáo hội Công giáo luôn xác định căn tính của mình là một tổ chức hiệp thông toàn cầu và duy nhất. Do đó có thể nói, khi có người Việt là tín đồ Công giáo thì đã xuất hiện quan hệ Việt Nam- Vatican về mặt tôn giáo rồi(1). Khi số người Việt Nam theo đạo càng đông thì sự quan tâm của Vatican cũng gia tăng theo. Người có công đầu thúc đẩy sự quan tâm này phải kể là Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ). Sau một thời gian truyền giáo ở Việt Nam, tháng 6-1649, ông qua Rôma và đề nghị Tòa thánh cử một vài giám mục tới Việt Nam và xin được phép truyền chức linh mục cho người bản xứ vì lo sợ giáo sĩ nước ngoài sẽ bị trục xuất hết. Ba tác phẩm của Đắc Lộ là “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài”, “Phép giảng tám ngày”, “Từ điển Việt – Bồ- La” đã được Bộ Truyền giáo của Tòa thánh tài trợ và cho in ở Rôma năm 1650-1651 thể hiện sự quan tâm của Vatican đến vùng đất mới ở Á Đông này. Ngày 9-9-1659, Rôma cử 2 giám mục đầu tiên là Pallu coi sóc Đàng Ngoài của Việt Nam, Lào và Hoa Nam. Còn giám mục Lambert de la Motte thì coi sóc Đàng Trong cùng với Chàm, Chân Lạp, Cambodia và Thái Lan. Điều rất đáng lưu ý là khi cử 2 giám mục này, Tòa thánh cũng phê chuẩn bản Monita (Nhắn nhủ các thừa sai) để hướng dẫn và cổ vũ cho các hoạt động hội nhập văn hóa, rất có tính thời sự đến tận hôm nay: “Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ nào để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hóa của họ trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý. Có gì vô lý và bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, Ý hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Á Đông chăng?”(2).
 
Một dấu mốc quan trọng của mối quan hệ giữa Vatican và Giáo hội Công giáo Việt Nam là ngày 24-11-1960, Đức Gioan 23 đã ký sắc chỉ cho thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, nâng 16 địa phận (nay gọi là giáo phận) ở 3 giáo tỉnh của Việt Nam thành các địa phận chính tòa chứ không phải hiệu tòa như trước đây. Số giáo phận ở Việt Nam hiện nay là 26 (trong tổng số 2400 giáo phận trên toàn cầu).
 
Theo kinh nghiệm truyền giáo của Vatican, để dễ thành công và tránh được sự kỳ thị của người bản xứ thì việc phong chức giám mục, linh mục cho người địa phương phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng do định kiến của các nhà truyền giáo ngoại quốc nên tiến trình này rất chậm chạp. Mãi đến năm 1668, mới có 4 linh mục đầu tiên là người Việt và sau 400 năm truyền giáo, mới có giám mục là người Việt (Giám mục Nguyễn Bá Tòng năm 1933). Một thời gian dài, Giáo hội Công giáo Việt Nam do các giáo sĩ nước ngoài điều hành. Nguyễn Ái Quốc khi gặp Linh mục Cao Văn Luận ở Paris năm 1946 đã nói: “Trong Giáo hội Công giáo Việt Nam chưa có sự độc lập. Trên toàn quốc có 15 địa phận, mà chỉ có hai địa phận do giám mục người Việt coi sóc, còn tất cả các địa phận khác đều nằm trong tay người nước ngoài. Tôi nghĩ rằng, những linh mục trẻ như ông phải hành động một trật với chúng tôi, là đòi cho được sự độc lập của các địa phận Việt Nam”(3). Đây cũng là trăn trở của nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ trước đó cả thế kỷ. Chính ông đã hiến kế: “Năm trước, tôi đã bẩm miệng với quan Thượng thư Bộ binh và Bộ hộ, muốn nhân lúc đi Tây mà xin với Giáo hoàng, rút giáo sĩ Pháp về và chỉ giao cho giáo sĩ nước ta trông nom hoàn toàn việc đạo giáo” (4). Điều này chỉ thực hiện được sau khi nước nhà độc lập, tôn giáo mới có tự do. Bằng chứng là con số giám mục người Việt hiện nay đã gần 100 vị trong đó có 5 người được phong tước Hồng y (đều sau năm 1975). Nhiều giám mục còn được bổ nhiệm vào Giáo triều Vatican như Hồng y Nguyễn Văn Thuận là Bộ trưởng Ủy ban Công lý và Hòa bình (1998- 2002), hay giám mục Vũ Duy Thống là Ủy viên Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa (2005), TGM Nguyễn Như Thể là Ủy viên Hội đồng Đối thoại liên tôn (2000), Hồng y Phạm Minh Mẫn là thành viên Uỷ ban di dân của Toà thánh (năm 2011)…Có người được phong tước Tổng giám mục, sứ thần của Tòa thánh ở Benin và Togo (châu Phi) như Giám mục Nguyễn Văn Tốt, có người được phong là giám mục ở Hoa Kỳ như Giám mục Mai Thanh Lương (ở Orange, Cali)…Điều này, tự nó đã nói lên rằng, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã trưởng thành và hàng giáo sĩ cũng có được tín nhiệm không chỉ ở trong nước mà cả ở quốc tế nữa.
 
Để tăng cường quan hệ giữa Giáo triều Vatican và Giáo hội Việt Nam, Tòa thánh không chỉ bổ nhiệm các giám mục người Việt để cai quản các giáo phận mà còn cử Đặc sứ (Legat) thay mặt Giáo hoàng đến thăm giáo hội Việt Nam những dịp hiếu, hỷ hay quan sát tình hình địa phương như chuyến thăm của Đặc sứ - Giám mục Lecroart (là giám mục ở Trung Quốc) sang Việt Nam năm 1923 để xem xét việc lập tòa Khâm sứ ở Huế, hoặc Hồng y R.Etchagaray, được cử là Đặc sứ sang dự tang lễ Hồng y Trịnh Văn Căn tháng 5-1990, Hồng y Ivan Dias làm đặc sứ chủ sự nghi lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại La Vang ngày 6-1-2011…Cũng có khi vị Đặc sứ là chính người Việt. Ví dụ Hồng y Phạm Đình Tụng là Đặc sứ của Giáo hoàng Gioan Phao lô 2, chủ sự lễ khai mạc kỷ niệm 200 năm biến cố Đức mẹ La Vang (1998), Hồng y Phạm Minh Mẫn là Đặc sứ chủ sự lễ tang Hồng y Phạm Đình Tụng (2009)…
 
Đối với những nước có điều kiện, Vatican thường lập tòa Khâm sứ (Delegat) để đại diện Tòa thánh tại địa phương. Ở nước ta, năm 1921, Nguyễn Hữu Bài là Thượng thư Bộ Lại nhưng cũng là người Công giáo, nhân tháp tùng Khải Định qua Pháp, đã đến Rôma xin Tòa thánh lập đại diện nhằm khỏi bị người Pháp ngăn cản Giáo hội Việt Nam tiếp xúc với Vatican. Ông cũng đã dâng cúng đất đai và quyên góp kinh phí để xây dựng tòa Khâm sứ ở Huế (khi đó là kinh đô của triều Nguyễn). Trong Tông thư công bố ngày 20-5-1925, Tòa thánh đã cho thiết lập “Khâm sứ tòa thánh ở Đông Dương và Thái Lan”. Vị Khâm sứ đầu tiên đến nước ta là Tổng giám mục Constantino Ayuti. Sau khi đến Hà Nội, vị Khâm sứ này đã viết thư cảm ơn tới Thượng thư Nguyễn Hữu Bài: “Tôi còn phải ghi ơn ngài vì lời đề nghị dâng cho Tòa thánh một ngôi nhà xứng đáng, dùng làm trụ sở cho vị Khâm sứ ở Đông Dương. Cử chỉ cao đẹp ấy không phải dành riêng cho kẻ hèn mọn này, nhưng là một báu vật dâng cho Đức thánh cha. Bởi thế nhân danh Đức Giáo hoàng mà tôi hân hạnh đại diện ở đây, tôi xin ghi lời cảm ơn ngài cách chân thành” (5). Có điều vị Khâm sứ này mệnh yểu khi mới ngoài ngũ tuần ngày 27-1-1928 lúc đang nghỉ ở Đà Lạt và có tin đồn nói rằng, ông bị đầu độc vì người Pháp không ưa vị Khâm sứ quốc tịch Italia này! Điều này khó kiểm chứng nhưng vị Khâm sứ tiếp theo là Giám mục Colomban Dreyer mang quốc tịch Pháp (1928-1936). Tòa Khâm sứ được chuyển ra Hà Nội năm 1951, lần lượt có 8 vị Khâm sứ làm việc ở Việt Nam từ năm 1925. Khâm sứ cuối cùng là Giám mục Henri Lemaitre rời Việt Nam ngày 27-7-1975. Khâm sứ Jonh Dooley (1950-1960) là người đã triệu tập các giám mục Đông Dương họp ở Hà Nội để ra bức Thư chung 1951, lên án gay gắt chủ nghĩa cộng sản.
 
Về phía Giáo hội Công giáo Việt Nam, hàng năm đều có tường trình về tình hình giáo hội địa phương. Các giám mục khi được tấn phong đều phải thề hứa trung thành với Giáo hoàng và người kế vị hợp pháp. Theo giáo luật, cứ 5 năm, các giám mục đều phải về Rôma để viếng mộ hai Tông đồ Phê rô và Phao lô cũng như báo cáo tình hình giáo hội địa phương (đi Ad Limina). Năm 1980 là năm lần đầu tiên có nhiều giám mục Việt Nam đi Ad Limina nhất, chia thành 2 đoàn, phía Bắc do Hồng y Trịnh Văn Căn dẫn đầu, phía Nam do Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình dẫn đầu.
 
Giáo hội Việt Nam cũng ngày càng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại. Nhiều giám mục đi tham dự các sinh hoạt quốc tế như Công đồng Vatican 2 (1962-1965), Thượng Hội đồng Giám mục thế giới cũng như Liên Hội đồng Giám mục Á châu, ngày giới trẻ quốc tế, đi thăm các giáo hội Hoa Kỳ, Pháp, Philippine, Hàn Quốc…và cũng mời nhiều đoàn giám mục quốc tế đến thăm Việt Nam như Pháp (năm 1996, 2006), Hoa Kỳ (1999, 2009) và đang có chương trình tổ chức cho Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) họp ở Việt Nam vào tháng 11-2012
 
Mặc dù quan hệ giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam và Tòa thánh Vatican là quan hệ nội bộ nhưng nhiều khi cũng gây sóng gió cho quan hệ đạo đời như vụ phong 117 thánh tử đạo Việt Nam năm 1988 hay việc bổ nhiệm nhân sự cho giáo phận thành phố Hồ Chí Minh sau 30-4-1975…
 
2. Quan hệ Việt Nam- Vatican về mặt Nhà nước
 
Như trên đã nói, Vatican không chỉ là thủ đô của Giáo hội Công giáo mà còn là quốc gia với Giáo hoàng là người đứng đầu, có vai trò như Quốc trưởng, còn Hồng y Quốc vụ khanh có vị trí như Thủ tướng. Phủ Quốc vụ khanh có nhiệm vụ liên lạc với các giám mục đại diện Tòa thánh, các đại sứ, sứ thần ở các quốc gia liên hệ. Việt Nam dù chưa có quan hệ ngoại giao về mặt Nhà nước với Vatican nhưng hai bên cũng đã có nhiều mối liên hệ qua lại trong nhiều thập kỷ qua. Chúng ta cùng điểm lại những sự kiện này.
 
Sự kiện quan trọng đầu tiên phải kể đến là sau khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945 thì nhiều thế lực thù trong giặc ngoài muốn cướp đi thành quả cách mạng đó. Đứng trước khó khăn này, Giám mục Nguyễn Bá Tòng đã cùng ký tên với 4 giám mục người Việt Nam gửi điện văn tới Tòa thánh Vatican xin ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Nội dung bức điện văn rất cảm động: “Nhân dân Việt Nam yêu quý của chúng con muốn nhờ trung gian 4 vị giám mục của họ, dâng lên Đức Thánh cha lòng tôn kính sâu xa và xin Đức Thánh cha ban phúc lành, tỏ lòng rộng lượng và cầu nguyện cho nền độc lập mà nhân dân chúng con mới giành lại được và quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá…Đứng trước những biến cố hết sức xúc động như thế này và bản thân chúng con cảm động tận đáy lòng, vì ý thức bổn phận thiêng liêng đối với Tổ quốc chúng con, các giám mục Việt Nam chúng con nài xin Đức Thánh cha, các Đức Hồng y, các Đức Tổng Giám mục, Giám mục và toàn thể anh chị em Công giáo khắp thế giới và đặc biệt là Công giáo Pháp, hãy hỗ trợ cho việc quyết định của Tổ quốc yêu quý của chúng con”(6). Rõ ràng, đây là bức văn thư do các Giám mục Việt Nam ký tên, thể hiện lòng yêu nước của người Công giáo Việt Nam nhưng nó cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước non trẻ với vị thế của Vatican. Bởi vì, chính trong phiên họp của Chính phủ ngày 27-9-1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xem xét đề nghị của Giám mục Nguyễn Bá Tòng cho gửi bức điện văn nói trên. Hơn nữa, nếu không có sự ủng hộ của Chính phủ làm sao lá thư đó được gửi đi cùng với lá thư gửi anh chị em Kitô hữu toàn thế giới một cách nhanh chóng trong điều kiện thông tin liên lạc khó khăn lúc bấy giờ. Lá thư đã gây tiếng vang lớn trên dư luận quốc tế bấy giờ và giáng một đòn mạnh vào thực dân Pháp. Ngày 14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh 234/SL trong đó điều 13 ghi rõ: “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Riêng về Công giáo, quan hệ tôn giáo giữa giáo hội Việt Nam với Tòa thánh La mã là vấn đề nội bộ của Công giáo”. Đây cũng là một ứng xử tài tình với tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Giáo hoàng Phao lô VI đã ra lời kêu gọi “ngưng ném bom Bắc Việt” ngày 2-5-1967 và gửi điện văn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh mong có giải pháp hòa bình cho Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời: “Tôi cảm ơn Ngài đã gửi cho tôi bức điện ngày 8-2-1967. Trong bức điện đó, Ngài tỏ ý mong muốn sớm có giải pháp hòa bình về vấn đề Việt Nam…Tôi mong Ngài vì nhân đạo và công bằng, hãy dùng ảnh hưởng của mình, đòi nhà cầm quyền Mỹ tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã xác nhận”(7).
 
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Vatican không phải luôn giữ được thái độ trung lập. Bằng chứng là Giáo hoàng Phao lô VI đã từ chối gặp Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình khi bà tới Rôma năm 1971 nhưng lại đón tiếp long trọng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Giáo hoàng Phao lô VI chỉ đón tiếp Bộ trưởng Xuân Thủy và Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu sau khi hiệp định Paris được ký kết. Đúng như một nhà báo Mỹ viết: “Trong vấn đề Việt Nam, Đức Giáo hoàng giữ trung lập mà thiên vị”(8).
 
Sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện với chủ trương làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, bầu khí chiến tranh lạnh cũng kết thúc thì quan hệ Việt Nam- Vatican ấm dần lên. Ngày 01-7-1989, Hồng y Roger Etchagaray, đại diện của Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã đến thăm Việt Nam trong 2 tuần lễ. Đây là quan chức cao cấp nhất của Vatican đến Việt Nam sau biến cố 30- 4-1975. Cuộc thăm viếng này đã mở ra một lộ trình mới là thường xuyên có cuộc làm việc hàng năm giữa hai phái đoàn của Tòa thánh Vatican và Chính phủ Việt Nam bắt đầu từ năm 1990. Từ đó đến nay đã có 16 lượt đoàn Vatican đến Việt Nam và 3 lần đoàn Việt Nam qua Vatican (1992 2005 và 2010). Những buổi làm việc này đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo tại Việt Nam như vấn đề bổ nhiệm nhân sự cho các Tòa giám mục, thành lập giáo phận mới, việc du học của các tu sĩ, linh mục ở nước ngoài cũng như thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai bên. Cũng có những vấn đề căng thẳng, bức xúc như nhân sự cho tòa Tổng giám mục thành phố Hồ Chí Minh (cuộc gặp lần thứ 4 tháng 10- 1996). Phía Tòa thánh đưa ra giải pháp “trọn gói”, trong khi phía Việt Nam lại muốn giải quyết riêng rẽ từng vấn đề. Sự việc chỉ được tháo gỡ khi Vatican bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Văn Thuận là Phó Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Tòa thánh năm 1994 và Chính phủ Việt Nam đồng thuận việc bổ nhiệm Giám mục Phạm Minh Mẫn làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh (1998). Việc đồng thuận của Vatican và Nhà nước Việt Nam trong tiến trình bổ nhiệm nhân sự cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam là một cách làm sáng tạo vừa giữ được quyền bổ nhiệm của Tòa thánh nhưng vẫn tránh được những va chạm giữa đạo và đời do việc bổ nhiệm đó. Cuối năm 2005, Hồng y Crescenzio Sepe- Tổng trưởng Bộ Truyền giáo đã đến thăm Việt Nam và dự nhiều sinh hoạt của giáo hội ở cả 3 miền, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam- Vatican.
 
Về phía Chính phủ Việt Nam, tháng 6-1992, ông Vũ Quang- Trưởng ban Ban Tôn giáo của Chính phủ đã dẫn đầu và tiếp đến tháng 6-2005, ông Ngô Yên Thi- Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cũng dẫn đầu đoàn của Việt Nam qua Vatican. Ngày 27-5-2000, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên của Việt Nam đã có buổi gặp gỡ với Ngoại trưởng Tòa thánh J. Louis Tauran. Khi Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 qua đời và tân Giáo hoàng Benedictô XVI lên ngôi hồi tháng 4-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đều có điện văn chia buồn và chúc mừng. Đỉnh cao nhất của mối quan hệ Việt nam- Vatican là buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Benedicto XVI ngày 25-1-2007 tại Rôma. Thủ tướng Việt Nam đã phát biểu rằng: “Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh Vatican. Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp với Tòa thánh Vatican dựa trên cơ sở những nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận là tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam mong muốn Tòa thánh Vatican có tiếng nói khích lệ cộng đồng Công giáo Việt Nam luôn gắn bó với đất nước và dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican”(9). Bản thông cáo báo chí bằng tiếng Anh và tiếng Italia còn nói cụ thể hơn: “Toà thánh nói lên niềm vui mãn nguyện về chuyến viếng thăm ghi dấu bước tiến mới và quan trọng tiến đến sự bình thường hoá những quan hệ song phương. Trong những năm qua, những tương quan này đã nhận được những tiến bộ cụ thể mong được mở ra những khoảng rộng hơn về tự do tôn giáo cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam”(10).Về đề nghị của Vatican muốn thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam cũng như sắp xếp cho cuộc thăm viếng của Giáo hoàng Benedicto XVI đến Việt Nam, phía Chính phủ Việt Nam đề nghị ngoại giao hai bên làm việc với nhau để đưa ra lộ trình phù hợp. Tiếp đó, ngày 11-12-2009 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng có buổi hội kiến với Giáo hoàng Benedicto XVI tại Vatican. Bản thông cáo báo chí của Toà thánh viết: “Toà thánh bày tỏ hài lòng về cuộc viếng thăm. Đây là một bước ý nghĩa đối với sự phát triển song phương giữa Việt Nam với Toà thánh. Cầu mong những vấn đề còn tồn đọng sớm được giải quyết. Trong các cuộc hội kiến thân mật, các vị đã đề cập đến những vấn đề liên hệ, tới sự cộng tác giữa giáo hội và nhà nước”. Đây được coi là chuyến thăm lịch sử mở ra triển vọng mới cho quan hệ hai bên. Để thúc đẩy quan hệ song phương, một nhóm công tác hỗn hợp Việt nam- Vatican đã được thành lập gồm đại diện của cả hai bên và đã có hội nghị vòng 1 tại Hà Nội (năm 2009) và vòng 2 tại Vatican (tháng 10-2010). Nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Phái đoàn ngoại giao Vatican do Đức ông Pietre Parolin- Thứ trưởng ngoại giao của Toà thánh dẫn đầu cũng đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam lần thứ 16 từ ngày 15 đến 22-2-2009. Hai bên đã ra thông cáo báo chí đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lộ trình thiết lập quan hệ song phương. Bản thông cáo viết: “Hai bên ghi nhận chiều hướng phát triển đáng khích lệ của mối quan hệ giữa Việt Nam và Toà thánh từ năm 1990 tới nay. Hai bên cho rằng cuộc họp đầu tiên của nhóm công tác hỗn hợp là một bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Toà thánh và nhất trí tiếp tục nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ song phương”. 
 
Về triển vọng của quan hệ Việt Nam- Vatican, nhiều người lạc quan vì cho đó là xu thế tất yếu vì lợi ích của không chỉ 6 triệu đồng bào Công giáo Việt Nam mà còn vì lợi ích của cả dân tộc cũng như góp phần vào hòa bình chung trên thế giới. Hơn nữa ở Việt Nam, dù quá khứ trong quan hệ đạo - đời có những vụ việc phức tạp nhưng hiện tại thì không có vấn đề nan giải như ở Trung Quốc trong quan hệ với Vatican (như vấn đề Công giáo yêu nước, vấn đề Đài Loan…). Đúng như diễn văn của Hồng y Ivan Dias- đặc sứ của Giáo hoàng Benedicto XVI trong lễ bế mạc Năm thánh 2010 tại La Vang chiều 05-01-2011: “Tôi rất thích ý tưởng Giáo hội và Nhà nước như bậc cha và mẹ trong một gia đình. Khi họ sống thuận hoà thì con cái họ hạnh phúc hơn”. Vì vậy quan hệ đầy đủ giữa Việt Nam với Vatican, chắc chắn không phải là điều quá xa vời.
 
TS. Phạm Huy Thông
 
Chú thích:
1- Theo Lịch sử giáo hội thì ông Đỗ Hưng Viễn ở Bồ Trung, Thanh Hóa được coi là tín hữu Công giáo đầu tiên ở VN. Ông theo đạo khoảng năm 1580 khi đi sứ ở Trung Quốc.
2- Dẫn theo “ Sống đạo theo cung cách Việt Nam”, Nxb Tôn giáo 2004, tr.164.
3- Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ 1988, tr.78
4- Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ: con người và di thảo, Nxb T.P HCM 1990, tr.325
5- Theo Báo Nam Kỳ địa phận số 947, tr.37
6- Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo, Nxb CTQG 2004, tr.346
7- Hồ Chí Minh…s đ d, tr.184-185.
8- Trần Tam Tỉnh, s đ d, tr.166
9- Theo Báo Phụ nữ Việt Nam số 13 ngày 29-1-2007.
10- Theo Vietcatholicnews ngày 26-1-2007.

Thông tin khác:
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log