Thứ sáu, 26/04/2024

Năm mão nói chuyện Mèo

Cập nhật lúc 16:24 17/09/2012

CHUYỆN MÈO THEO KINH THÁNH

Mão là năm thứ tư trong chu kỳ tính âm lịch theo mười hai địa chi. Việt Nam ta các cụ xưa đã đặt con Mèo làm con vật biểu tượng. Ở các nước khác họ lại cho con thỏ là vật cầm tinh năm mão, có lẽ Việt Nam là nước nông nghiệp, đại đa số dân chúng sống trên đồng bằng, mèo là con vật hữu dụng, phổ quát hơn. Con thỏ hiếm thấy, nên cha ông ta xưa đã chọn con mèo làm con vật cho chi Mão. Năm Mão lại đến, chúng tôi lại có dịp mở Kinh Thánh để tìm xem con mèo có được các sách Kinh Thánh nhắc đến không?


Gốc gác con Mèo

Trong chuyện cổ nước ta có nhiều chuyện nói đến lai lịch con Mèo. Nhưng chúng tôi muốn nhắc đến con mèo của Bà E-và. Ai cũng biết Kinh Thánh ghi rằng Bà E-và là Mẹ chúng sinh (xem St 3, 20), nên nếu có con mèo của bà E-và, ắt hẳn nó phải là con mèo đầu tiên được người nuôi trên trái đất.

Chúng tôi nhớ mãi hồi còn nhỏ, chúng tôi đã đọc được chuyện con mèo của bà E-và trong một tờ báo với trí tưởng tượng như sau: Khi bà E-và thấy ông A-đam có con hổ làm hầu cận, bà E-và rất thích con hổ, nhưng nó quá uy dũng lại to lớn, bà không thể ôm ấp cưng chiều nó. Vì thế bà nũng nịu vòi ông A-đam xin Chúa cho bà một con vật hoàn toàn giống như con hổ, nhưng nhỏ nhắn, mềm mại hơn để bà có bạn. Chúa truyền cho A-đam lấy đất và bông gòn làm thành con vật như ý E-và, rồi đem trình trước Chúa. Chúa thổi hơi ban sự sống cho nó. Khi A-đam trao con vật cho E-và, con vật vui vẻ kêu lên những tiếng “meo meo”, dụi đầu vào người E-và, bà liền gọi nó là con Mèo. Từ đó bà E-và luôn đem theo con mèo bên mình. Những buổi trưa nóng bức, bà thường tìm đến ngồi mát dưới bóng râm của cây Cấm. Bà đang thiu thiu ngủ … bỗng bà nghe tiếng kêu chế diễu “eo…eo” và tiếng phun phì phì của con mèo. Bà nhìn lên thì thấy có con rắn to tướng quấn trên cành cây cấm…Con mèo không theo bà đến gốc cây cấm nữa.

Bà E-và dùng sợi dây thắt một cái nơ thật đẹp trên cổ mèo, sợi dây không cho mèo xa bà, nên mèo phải miễn cưỡng theo bà ra gốc cây cấm. Cho đến một hôm con mèo thấy bà hái trái cấm (xem St 3,6), nó liền khép chặt con ngươi trong đôi mắt lại, không dám nhìn bà.

Vì thế giống mèo cứ đến trưa thì tròng đen của mắt chúng khép chặt lại, và dáng bộ con mèo ủ rũ buồn chán, như nhớ lại giờ tội lỗi nhập vào thế gian. Cũng từ đó hễ con mèo gặp rắn là lại phun phì phì như phỉ nhổ vào biểu tượng của quân cám dỗ.

Kinh Thánh có nói đến Mèo không?

Chả mấy người nghĩ rằng trong Kinh Thánh có nhắc đến con mèo, Vì khi nghe Sách Thánh, trong suốt 3 năm trong chu kỳ Phụng vụ, không nghe đến con mèo bao giờ. Các ông bà Dòng Ba Đaminh, hằng ngày nguyện các giờ Kinh Phụng vụ, cũng chẳng đọc được chữ mèo khi nào. Quý vị đã thấy chúng tôi trích từ Kinh Thánh những câu nói đến con chuột của năm Tỳ. Con trâu của năm Sửu, Con hùm của năm Dần. Còn trong năm Mão, không biết Thánh Kinh có nói đến con Mèo không?

Câu hỏi làm kẻ viết bài này phải gia công tìm kiếm mãi cho ra câu trả lời. Chắc chắn Kinh Thánh cũng có nhắc đến con mèo. Nếu không, chúng tôi đã không dám nêu chủ đề “12 con giáp trong Kinh Thánh”. Chỉ. không rõ là KinhThánh nói đến mèo nhiều hay ít. Tổ tiên ta xưa đã đặt con trâu là biểu tượng cho năm Sửu, con mèo là biểu tương cho năm Mão, chứ không theo Tầu đật con bò, con thỏ cho hai năm đó (chứng tỏ Việt Nam chúng ta không lệ thuộc Tầu). Con Mèo là con vật cầm tinh cho năm Mão, nên Tết này chúng tôi phải nói chuyện về con mèo trong Kinh Thánh thì mới hợp với ý của tiền nhân xưa, đã coi người sinh năm Mão được gọi là người tuổi con Mèo.

Vì thế năm Mão này, mời quý vị theo dõi chuyện Mèo, chúng tôi trích từ Kinh Thánh. Mậc dầu trong Kinh Thánh hiếm có sách nói đến con mèo.

Mèo trong sách Tiên tri I-sai-a

Ngôn sứ I-sai-a được coi là anh hùng của đất nước Do Thái vì sự tham gia tích cực của ông vào những vấn đề của quốc gia. Ông còn là một thi sĩ có biệt tài, chiều hướng tôn giáo vẫn nổi bật nơi ông. Ông luôn tin tưởng Thiên Chúa là Đấng chí thánh, Đấng Uy dũng, Đấng đầy quyền năng, Đấng cai trị muôn loài trên trời, dưới đất. Con người là một thực thể bị tội lỗi làm nhơ uế, và Thiên Chúa đòi hỏi họ phải sám hối đền tội, để được tình yêu của Thiên Chúa che chở.

Khi Ít-ra-en bị lưu đầy bên Ba-by-lon, I-sai-a đã tuyên sắm rằng Ba-by-lon sẽ trở thành đổ nát và ra hoang phế, biến ra nơi cho thú hoang, chim trời trú ngụ:

“Cho đến ngàn thu, nó sẽ không có người ở, không có một lều trú cho đến đời đời. Ờ đó mèo hoang làm ổ và cú vọ ở đầy. Ổ đó đà điểu sẽ lưu trú, và dê rừng tha hồ quẩng dỡn.(Is 13, 20-21)

Không những Ba-by-lon, mà còn Ê-đom cũng bị nguyền rủa. Nhắc việc xưa, dân Ít-ra-en trên đường về Đất Hứa, gần đến Ê-đom đã cho sứ giả đến đề nghị Ê-đom cho mượn đường đi ngang qua, nhưng nhà cầm quyền Ê-đom không cho quá cảnh mà còn đe dọa sẽ cho binh đội kéo ra đón đánh nếu xâm phạm lãnh thổ họ. Ít-ra-en phải rẽ qua hướng khác.

Ê-đom ở sát biên giới Giu-đê-a về phía nam, luôn thù nghịch với Ít-ra-en, lúc Ít-ra-en mất quyền kiểm soát Giu-đê-a, Ê-đom lợi dụng cơ hội đã lấn đất của Giu-đê-a. Vì thế ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm cho Ê-đom sẽ ra hoang phế, trở thành nơi trú ẩn của muông thú, chim chóc hoang dã:

“Lâu đài của nó mọc gai tua tủa, đồn canh phòng thì cây dại tầm na, mắc cở mọc um tùm. Nó biến thành hang ổ của thú hoang, sân chim đà điểu. Ở đó mèo hoang sống với chó rừng, dê núi tìm nhau kéo đến ở.” ( Is 34, 14).

Như vậy, dưới cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a, mèo hoang dã, bị liệt vào loại thú vật dơ bẩn, dữ dằn gớm tởm đối với con người.

Ngôn sứ Ba-rúc cũng nói đến mèo

Ba-rúc là thư ký của ngôn sứ Giê-ri-mi-a, sách Ba-rúc được viết tại Ba-by-lon sau cuôc phát lưu và được gửi về Giê-ru-sa-lem để người còn ở lại đọc trong các buổi nhóm hội phụng vụ. Sách được viết khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Trong phần thư của ngôn sứ Giê-ri-mi-a được Ba-rúc trích lại, là một bình luận minh giáo, chống lại việc thờ ngẫu tượng.

Sách của ngôn sứ Ba-rúc thuyết phục dân Chúa không phải sợ các thần dân ngoại tại nơi bị lưu đày: Rồi đây tại Ba-by-lon, anh em sẽ thấy những tượng thần bằng vàng bạc hay bằng đá. Vì các thần ấy đều do tay con người làm ra. Tay thần cầm gươm cầm rìu nhưng không tự bảo vệ được mình. Người ta thắp cho thần nhiều đèn nến nhưng dù một đốm lửa thần cũng chẳng nhìn thấy… Còn nhiều những lý do ngôn sứ đưa ra chứng minh rằng những thần ấy không phải là linh thiêng, cho nên dân Chúa không phải sợ hãi mà tôn kính các thần ấy, như dân ngoại tôn kính.

Những thần ấy được đặt trong đền miếu, nhưng đúng là bị người ta nhốt như giam giữ kẻ phạm pháp, mặc cho chim chuột tung hoành, tranh nhau đồ cúng rơi rớt chung quanh, mà thần cũng không làm gì được: “Mặt thần đã bị khói từ đèn nến hun đen thui, trên thân mình chúng cũng như trên đầu chúng, người ta thấy bay lượn nào dơi, nào nhạn và các thứ chim khác, lại có cả mèo nữa. Cứ thế anh em đủ biết chúng không phải là thần: sợ chúng mà làm chi!” (Br 6, 20-22).

Có lẽ mèo xuất hiện tại đền miếu là để tìm săn chim chuột… những con vật lợi dụng lúc vắng người, bò ra kiếm ăn. Vì thế bàn thờ thần biến thành nơi cho các con vật dơ bẩn tìm đến tranh giành đồ ăn thức uống, từ những đồ cúng rơi rớt

Con mèo của Thánh Gia

Việt Nam ta là nước nông nghiệp, trước kia nhà nào cũng có nuôi ít là một con mèo để giệt chuột, giúp bảo vệ lương thực, mùa màng. Tuy nhiên, người Việt Nam không quý mèo như người Ai-cập. Tại Ai-cập các nhà khảo cổ đã khám phá ra nhiều bãi tha ma chôn hàng chục ngàn con mèo, với những ngôi mộ kiên cố, thật đẹp chứa xác ướp của mèo. Người Ai-cập coi mèo như là thần linh ban phúc, nếu không thì là phù thủy giáng họa, đàng nào cũng phải kính sợ mèo. Cho nên không những khi mèo chết người ta đã ướp xác lập mộ, mà khi mèo còn sống người Ai-cập rất cưng chiều cung phụng. Chính vì thế mà có chuyện “con mèo của Thánh Gia”.

“Khi Thánh Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Vua Erore đi tìm Đức Chúa Giêsu mà giết, thì Đức Mẹ đem Con sang nước Ichitô, mà Người thương Con còn non nớt mới sinh, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy”. (Tây-ban-nha gọi Ai-cập là “iexiptô” nên các cố Yphanho chuyển âm qua tiếng Việt là Ichitô). Không những Đức Mẹ phải trốn đi vượt biên ban đêm, mà còn bị người Ai-cập xua đuổi không cho trú nhờ. Cho đến khi Thánh Giuse đeo theo gói hành trang đi gõ cửa thêm một căn nhà nhỏ, để năn nỉ lần nữa. Chủ nhà hé cửa thò đẩu ra hỏi, anh ta thấy trong gói hành trang của Thánh Giuse có con mèo nhô đầu lên, anh chủ nhà vội vàng mở rộng cánh cửa, niềm nở tiếp đón Thánh Gia vào nhà. Khác với Việt Nam “mèo đến nhà thì khó” người Ai-cập được mèo đến nhà là một hạnh phúc như thần linh tới phù hộ. Từ đó chị chủ nhà cung phụng phục vụ Hài nhi Giêsu trước cả con nhỏ của mình. Truyền thuyết kể rằng, mỗi chiều chị đều sắp nước cho Hài nhi tắm xong, rồi chị dùng lại nước đó tắm cho con chị, con chị khỏi hết ghẻ lở và các bệnh khác. Người ta còn nói, người trộm lành cùng chịu án đóng đinh với Chúa Giêsu, chính là đứa trẻ được mẹ dùng lại nước tắm của Hài nhi thánh khi trước.

Con mèo của Thánh Gia đã đem hên đến cho gia đình người đón tiếp các ngài.

Hơi hướm Thánh Kinh

Con mèo của bà Evà, con mèo của Thánh Gia dĩ nhiên không có trong Sách Thánh, cùng lắm thì hai con mèo ấy cũng chỉ có hơi hướm một chút Kinh Thánh, nhưng vì trong Kinh Thánh Công giáo chỉ có hai sách nhắc đến mèo. (Chúng tôi nói Kinh Thánh Công giáo, vì bên anh em Tin Lành không có sách của Tiên tri Barúc) nên chúng tôi mới có dịp theo truyền thuyết nhắc lại cho thêm vui câu chuyện Tết con mèo

Trong sách “Tìm Từ Kinh Thánh Tân Ước” của linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ, nhà xuất bản Tôn Giáo, không có chữ “Mèo”. Như vậy chứng tỏ trong Kinh Thánh Tân Ước không nói đến con mèo. Quả đúng như vặy, chúng tôi cũng đã để ý mỗi khi đọc Tân Ước cũng không gặp được chữ “Mèo”, kể cả trong một vài bản dịch ngoại ngữ.

Kính chúc quý độc giả nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ một Năm Mói an khang, mọi điều như ý mong muốn.

Hoàng Đức Trinh

 

 

CHUYỆN MÈO TRUYỀN KỲ THẾ GIỚI


Theo Hán tự, chữ Mão cũng được ta phát âm là Mẹo, tên của chi thứ tư trong 12 địa chi. Theo âm lịch nước ta Mão có con mèo làm biểu tượng, khác với các nước khác dùng con thỏ làm vật chủ của năm Mão. Nhân ngày đầu năm Mão, chúng tôi có cũng cố công tìm hiểu về con vật cầm tinh trong năm này, như “lấy câu chuyện làm quà” Tết, để quý vị biết thêm về con mèo, theo khoa học, trong ngày đầu Xuân mới.

Nguồn gốc loài mèo

Các nhà khoa học đã tin rằng, giống mèo có nguồn gốc từ một loài động vật nhỏ mà các nhà động vật học gọi là Miacis, đã có từ năm mươi triệu năm trước. Con vật thuộc giống mèo đầu tiên đã xuất hiện trên trái đất cách nay cũng đến bốn mươi triệu năm. Không ai biết chính xác mèo đã được thuần hoá trước tiên tại nơi nào và vào thời điểm nào. Nhưng nhiều tác giả tin rằng mèo nhà là dòng dõi từ một giống mèo hoang Phi châu, do nguười Ai-cập thuần hoá vào khoảng năm 3500 trước Dương lịch. Những con mèo hoang được thuần hoá này đã giúp người giệt các loại chuột và rắn, nên đã ngăn chận được nạn dịch hạch tại các nông trại Ai-cập và bảo vệ được các kho ngũ cốc. Mèo đã trở thành con vật được trọng dụng và người Ai-cập đã vinh danh mèo trong các tranh vẽ và các tác phẩm điêu khắc.

Người Hy lạp và các thương buôn đã đem mèo đến châu Âu và miền Trung Đông vào khoảng năm 1000 trước Tây lịch. Những người cổ Hy lạp và La-mã đã nuôi mèo để giệt loài gặm nhấm. Tại Rôma, mèo đã là biểu tượng của tự do và được coi là thần bảo hộ cho các bà nội trợ.

Từ Trung Đông, mèo được lan đến châu Á, lúc đó mèo được nuôi nhiều để giệt chuột tấn công phá hoại các kén tằm dùng lấy tơ dệt lụa. Người Đông phương hâm mộ vẻ đẹp và sự huyền bí của mèo. Con vật này trở thành chủ đề hấp dẫn các nghệ sĩ và văn sĩ tại Trung Hoa và Nhật Bản.

Thế kỷ thứ 17, châu Âu đi chiếm thuộc địa, các thương buôn đem mèo đến Tân thế giới khoảng những năm 1600 đến 1700. Những năm 1800 dân Mỹ làm một cuộc tây tiến khi mở rộng bờ cõi đến miền Viễn tây, họ cũng mang mèo theo. Như vây hầu hết mèo tại Mỹ và Canada ngày nay đều thuộc dòng dõi của những con mèo từ châu Âu mang đến.

Tại Anh quốc, con mèo đầu tiên đến Luân-đôn vào năm 1871, chỉ 16 năm sau, 1887, Câu lạc bộ Vương quốc Anh về mèo đã được thành lập. Thú vui nuôi mèo được tiến mạnh. Ngày nay việc nuôi mèo thành phổ thông, nên kỹ nghệ cung cấp dịch vụ và phẩm vật cho mèo cũng như cho chủ nhân của chúng đã lên đến hàng tỷ mỹ kim.

Mèo thần mèo quỷ

Khoàng năm 1500 trước Công nguyên, người Ai-cập đã bắt đầu coi mèo là con vật huyền bí. Họ đã thờ thần tình ái Bastet bằng một pho tượng đồng người phụ nữ có đầu là đầu mèo. Nếu ai giết một con mèo, người ấy sẽ bị tử hình. Khi con mèo họ nuôi bị chết, người Ai-cập xưa cạo đôi lông mày như một dấu hiệu để tang cho mèo. Họ đem ướp xác con mèo đó và chôn cất tử tế. Các nhà khoa học đã tìm được tại Ai-cập một nghĩa địa cổ chôn đến hơn ba trăm ngàn con mèo, đã được ướp xác cẩn thận

Trái lại với người Ai-cập cổ, người Âu châu thời Trung cổ lại coi con mèo là hình ảnh của ma quỷ. Những người mê tín cho rằng mèo, nhất là mèo đen, là một loại phù thuỷ có pháp thuật và chính là quỷ dữ. Vì những lý do đó mà người ta đã giết đến hàng trăm ngàn con mèo.

Vì sự mê tín mù quáng đó số mèo tại Âu châu đã hầu như tuyệt chủng, mất cân bằng hệ sinh thái. Lũ chuột không còn bị săn bắt nên sinh sôi nẩy nở tràn lan, không gì ngăn cản nổi. Ngoài mùa màng bị phá hại, chuột còn mang dịch bệnh đến sát hại con người, đã có đến một phần tư dân số Âu châu bị tử vong vì dịch hạch, giữa những năm 1300.

Hai, ba trăm năm sau, vào thế kỷ thứ 17, người Âu châu mới bắt đầu nhận thức lại tầm quan trọng của mèo. Có mèo nạn chuột bọ, chồn sóc mới bị chế ngự, lương thực, dịch tễ mới đỡ là mối lo của cư dân. Mèo lại được người ta đón tiếp hoan hô, việc nuôi mèo được cổ võ khuyến khích.

Hình thể cấu tạo con mèo

Nhiều người hằng ngày tiềp xúc với con mèo, nhưng có mấy ai đã biết rõ về con mèo thế nào. Theo các nhà khoa học thì một con mèo trưởng thành cao khoảng từ 20 đến 25 centimet (từ bàn chân trước đến vai). Đa số mèo cân nặng từ 2,7 kg đến 7 kg. Tuy nhiên có con nặng tới 9 kg, cũng có con chỉ đạt được hơn 2 kg.

Xương mèo: Mèo có bộ xương và lục phủ ngũ tạng giống như ở các động vật ăn thịt khác. Bộ xương mèo có 250 cái xương lớn nhỏ, số xương chính xác mỗi con còn tuỳ theo đuôi nó dài hay ngắn. Xương là khung sườn và là vật che chờ cho các cơ quan nội tạng của mèo. Các bắp thịt của mèo phần lớn là dài, mỏng và dễ đàn hồi, khiến mèo có thể hoạt động dễ dàng và nhanh chóng. Người ta tính tốc độ mèo ở khoàng cách ngắn có thể tới 30 dặm một giờ.

Sự sắp đặt của bộ xương và các khớp xương ở mèo khiến nó có thể xoay tứ phía: Khác với những con thú khác, mèo bước đi cùng lúc cả chân trước và chân sau ở mỗi bên, đó là lý do tại sao mèo có thể chạy nhanh như lướt. Khớp nối xương hông mèo khiến mèo dễ dàng nhảy vọt. Các khớp nối đặc biệt khác làm cho mèo có thể quay đầu đến phần lớn các nơi trên thân mình nó.

Chân mèo: Mèo có 4 chân, mới trông chúng ta tưởng chân mèo có 4 ngón, nhưng thật ra hai chân trước mỗi bàn chân có 5 ngón, như ngón tay dể giữ mồi. Ngón như ngón cái ẩn vào trong da, chỉ được giương ra khi bắt con mồi. Mỗi chân sau có 4 ngón, có con có thêm ngón đặc biệt ở cao hơn phía sau, ta gọi là móng huyền đề.. Mỗi ngón chân mèo có một cái móng cong như lưỡi câu, gọi là cái vuốt. Móng vuốt này khi không dùng đến thì mèo giấu vào trong lớp da. Khi mèo muốn giương vuốt ra, một bắp thịt đặc biệt nhanh chóng co lại đễ đẩy cái vuốt ra. Mèo dùng móng vuốt này để leo cây, để bắt con mồi và để tự vệ.

Dưới bàn chân mèo có những cái đệm bằng da dầy, nhờ những cái đệm này, mèo đi nhanh và không gây tiếng động.

Đuôi mèo: Đuôi mèo là do xương sống nối dài, mèo có đuôi dài để giữ thăng bằng. Khả năng thăng bằng của mèo rất giỏi, nó có thể đi trên đỉnh hàng rào hay mép tường hẹp. Khi mèo té, đuôi mèo sẽ uốn lái thế nào cho 4 chân mèo bao giờ cũng đáp xuống đất trước, vì thế mèo luôn được an toàn, mặc dẩu bị té từ nơi cao

Đầu mèo: Đầu mèo nhỏ, có bộ hàm ngắn, nhưng rất khoẻ, lúc dưới 6 tháng tuổi mèo có 26 cái răng sữa nhọn. Khi được sáu tháng, răng tạm đó được thay thế bằng răng khôn. Mèo trưởng thành cò 30 cái răng để cắn, giữ mồi, đề cắt để xé mồi thành miếng nhỏ. Mèo không có răng hàm để nghiền đồ ăn, nhưng dạ dầy và ruột mèo có thể tiêu hoá đồ ăn chưa được nghiền nát. Lưỡi mèo rất nháp, vì có những gai móc, khiến mèo có thể gặm sạch thịt dính sát xương và giúp mèo dùng lưỡi chải lông cho mượt.

Mũi mèo: Mèo có cái mũi nhỏ hình chữ V Đầu mũi được phủ bằng một lớp da đặc biệt. Da mũi mèo có những mầu khác nhau, da đó luôn ẩm ướt và lạnh. Khi mèo bệnh da mũi nóng và khô.

Mèo có khứu giác rất nhạy bén. Những con mèo con chưa mở mắt vẫn nhận ra được ổ khi lỡ nhoai đi xa, bằng cách đánh hơi biết hướng ổ mà bò về. Để hỗ trợ cho khứu giác, mèo còn có cơ quan đánh hơi ở miệng, giúp mèo phân biệt được mùi gì một cách chính xác.

Mắt mèo: Phần có mầu ở mắt mèo là tròng mất, thường là mầu xanh hoặc vàng, cam, đồng, xanh lá. Mèo có hai tròng mắt mầu khác nhau gọi là mèo có mắt lẻ, có thể là một mắt mầu xanh, một mắt mầu lơ.

Phía sau mỗi con ngươi mèo có một cơ phận đặc biệt như kính soi gọi là bộ phận chỉnh quang, dùng để điều khiển con ngươi cho ánh sáng vào mắt, như ta điểu khiển cho ánh sáng vào máy chụp hình. Bộ phận này điều chỉnh để mắt mèo có thể trông rõ vật trong ánh sáng lờ mờ, hoặc nếu sáng chói, con ngưoi cũng khép chỉnh cho sáng vừa đủ. Bộ phận chỉnh quang cũng làm tăng thêm tầm nhìn của mắt mèo. Trong mắt mèo còn có mí mắt thứ ba ở khoé mắt, khi chớp mí mắt thứ ba chạy trùm hết cà mắt, rồi kéo nhanh về lại khoé mắt, mí mắt thứ ba dùng đề bảo vệ mắt cũng như làm trơn cho tròng mắt.

Tầm nhìn của mèo không được tinh tường như ở mắt người. Nhìn vào mầu sắc, nhưng mèo chì thấy mầu râm và mầu xám. Tuy nhiên mèo có thể chỉnh mắt sáng để giúp nó săn bắt mồi. Nó nhìn được cả trong ánh sáng lờ mờ, nhưng không thấy gì khi hoàn toàn là bóng tối.

Tai mèo: Hai tai mèo ở sát hai bên đỉnh đầu. Mỗi tai đều có thể cử động độc lập. Mèo có thể chỉnh tai cho hướng về phía tiếng động để tiếp nhận nhiều âm thanh hơn. Mỗi tai có thể cùng lúc quay theo hướng khác nhau để mèo phân biệt được âm thanh phía nào gần hơn mà thích ứng.

Tai mèo rất thính, có thể nghe được hầu hết những âm thanh ta nghe được. Ít có con mèo nào lại điếc. Nếu có điếc chăng là thường ở loại mèo trắng, đặc biệt là mèo có mắt lẻ

Râu mèo: Râu mèo là những sợi lông cứng và dài, mọc ở hai bên mép mèo và ở trên mắt mèo, nơi ta gọi là lông mày. Đây là một loại lông có nhiệm vụ đặc biệt như xúc giác ở tay ta. Khi những sợi râu mèo đụng phải vật gì, nó liền báo về óc cho mèo biết. Lông dài trên mắt mèo là để bảo vệ mắt mèo, trong đêm tối khi lông chạm vào đâu mèo liền biết để tránh ngay sang hướng khác.

Đời sống con mèo

Một con mèo mạnh khoẻ bình thường có đời sống từ 12 đến 15 năm. Có những con mèo sống được 18 hay 19 năm. Đặc biệt có con sống lâu nhất đến 30 năm.

Truyền đời: Khi con mèo cái được từ 5 đến 9 tháng tuổi, mèo đực ở tuổi từ 7 đến 9 tháng, chúng có thể giao phối để truyền giống. Mèo đực có thể gieo mầm sống vào bất cứ thời gian nào trong năm, nhưng mèo cái thường chỉ hứng thú tìm bạn tình trong mùa xuân hay mùa thu. Đây là mùa mèo gặp gỡ tình tứ. Những ngày xốn xang của cô mèo kéo dài từ 6 đến 10 ngày. Nếu không có cơ hội mang thai, cô mèo phải đợi sau ba tuần lể mới có thể tìm vui trở lại. Cô mèo nào trong mùa tình tứ gặp được “tình quân”, cô trở nên trầm tĩnh vì sắp thành mèo mẹ.

Mèo cái mang thai chín tuần lễ. Khi cảm thấy sắp đến ngày đặp bầu, mèo cái tìm nơi nào vắng vẻ, an toàn để xây tổ ấm cho bầy con nhỏ. Thông tường mỗi lứa mèo đẻ từ 3 đến 5 mèo con. Tuy nhiên có trường hợp một con mèo đẻ một lứa tới 14 mèo con. Trong khi mèo đẻ, mèo mẹ tự mình lo cho mèo con chu tất mọi việc mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào.

Mèo con: Phần lớn mèo con mới đẻ chỉ nặng khoảng 99 gam (chừng 3 ounces rưỡi), mèo mẹ liếm lông từng con cho khô ráo, rồi kích thích cho mèo con thở, cũng như cho mèo con cử động. Như loài động vật có vú khác, mèo mẹ cũng nuôi con bằng sữa của mình. Mèo con mới sinh không nghe, không thấy được gì, vì mắt và cả tai chưa mở, nên hoàn toàn lệ thuộc vào mèo mẹ: cho bú liếm dọn cho mèo con sạch sẽ, và đùm bọc cho mèo con. Trong khi mèo đực không hề biết gì đến đàn con nhỏ.

Mèo con cứ thế lớn dần, mỗi ngày đều tăng cân. Sau khi sinh khoảng từ 7 đến 10 ngày mèo con mở mắt. Theo kinh nghiệm của người Việt Nam xưa thì ngày mở mắt của mèo (hoặc chó) còn tuỳ theo số con cùng lứa, đem cộng thêm 10 ngày, như lứa mèo có ba con thì 13 ngày sau khi đẻ, mèo con mở mắt. Sau đó ít ngày tai chúng được mở ra để nghe, và răng chúng bắt đầu mọc cái đầu tiên. Sau ba tuần lễ, mèo con bắt đầu biết đi, chúng nhoai đi làm quen với quang cảnh chung quanh ổ. Mèo mẹ luôn trông chừng chúng và tha chúng về khi chúng đi xa ổ.

Khi được 5 tuần tuổi, mèo con đã mọc gần đủ răng sữa. Chúng bắt đầu tập ăn thức ăn cứng và táp nước. Đó cũng là lúc mèo mẹ cai sữa cho chúng, và chấm dứt không cho bú sau khi chúng được 7 tuần.

Day mèo con: Đối với chủ nuôi, muốn tập cho mèo quen với người thì khi mèo được chừng 4 tuần tuổi, ta nên dùng tay đề tiếp xúc với mèo con, vuốt ve nâng niu trên tay v.v…Những con mèo được cưng chiểu sớm sẽ dễ dạy để trở thành con vật ngoan, không sợ hãi người lạ. Nếu muốn mèo con sau này không sợ chó, cũng cho nó tiềp cận với chó trong tuần tuổi này.

Khi mèo được 6 tuần tuổi, óc và thần kinh của nó đã phát triển đầy đủ, lúc ấy có thể tách khỏi mèo mẹ. Tuy nhiên nếu được, nên để mèo sống chung với mẹ và mèo cùng lứa cho đến khi được 9,10 tuần tuổi thì tốt hơn.

Mèo phát triển về sự khôn khéo được nhiều khi sống chung, chúng học được những kỹ năng ở những con mèo khác. Hơn nữa chúng tiến triển nhanh vài năng khiếu, nhát là về cách săn bắt mồi bằng cách quan sát và bắt chước mẹ nó. Khi được một năm tuổi, mèo thật sự trưởng thành.

Cách mèo giao tiếp

Mèo giao tiếp với đồng loại, với các con vật khác hay là với người bằng nhiều cách khác nhau. Mèo dùng tiếng kêu, bằng biều hiện của thân thể và bằng mùi đặc biệt của nó làm phương tiện để giao tiếp.

Bằng tiếng kêu: Người ta đã thử nghiệm và thấy rằng mèo có thể phát ra hơn 60 âm thanh khác nhau, từ tiếng gừ gừ nhẹ nhàng tới tiếng ngao ngao to lớn… hay có lúc ta nghe mèo gào như khan tiếng… Những tiếng này phát xuất từ thanh quản ở cổ họng mèo, phát lên khoang mồm. Tiếng mèo được phối hợp giữa âm thanh và độ rung khi âm thanh thoát qua cửa thanh quản, tuỳ theo nhu cầu mà mèo điều chỉnh.

Tiếng kêu của mèo biểu hiện nhiều nghĩa khác nhau tuỳ theo trường hợp: tiếng “meo” có khi là lời chào hỏi, có khi là lời kêu cứu, hoặc kêu khi đói hay lúc cô đơn… Tiếng mèo “gừ gừ” thường tỏ vẻ bằng lòng hay khi bị bệnh mà phải rên lên…Khi mèo gào hay rít lên là tỏ vẻ sợ hãi hoặc giận dữ…

Bằng cử chỉ: Mèo cũng biểu lộ cách giao tiếp như dùng đuôi, dùng đầu, dùng nét mặt…Một con mèo đang thoải mái thường nằm áp ngực xuống và lim dim đôi mắt. Muốn rủ bạn chơi hay tỏ vẻ âu yếm, có con mèo lăn tròn một vòng rồi đưa chân quào quào vào không khí… Để tỏ vẻ sợ hãi hay khi phải tự vệ mèo thường giương vuốt, nhìn chằm chằm, vành tai vảnh lại đàng sau.

Một con mèo thân thiện với người thường làm quen bằng cách vươn cao đuôi, dúi đầu cọ vào chân người, có khi còn liếm tay họ. Một con mèo ngoan ngoãn thường cúi đầu xuống, tai cúp lại và tránh không nhìn thẳng vào người chủ. Trái lại khi con mèo giận dữ, nó quất đuôi qua lại, cong lưng lên, lông xù ra, có thể còn nhăn răng, trợn mắt…

Bằng mùi hương: Mèo cũng tỏ dấu giao cảm bầng mùi hương của nó. Mèo có tuyến mùi hương đặc biệt của nó nằm ở trên trán, ở quanh miệng và ở khấu đuôi.

Mèo tiết ra mùi hương này để đánh dấu người mà nó thích, cũng như các con vật khác mà nó ưa có thẻ chơi đùa, Khi nó chọn đối tượng nào, nó xịt mùi hương của nó vào đối tượng ấy. Mỗi khi nó ngửi được mùi của nó, nó biết đó là đói tượng thân. Chỉ có mèo và một số rất ít con vật khác có thể cảm nhận được mùi hương ấy.

Mèo đực còn dùng nước đái của nó để làm ranh giới lãnh địa của nó, Khi các mèo đục khác thấy mùi bất khả xâm phạm ấy thì nên tránh để khỏi xảy ra tranh chấp.

Người tuổi mèo

Theo các nhà khoa học thì mèo đã sống chung với con người từ 35 thế kỷ trước Công nguyên. Nói cách khác. người ta đã nuôi mèo từ rất xa xưa, cách nay đến 5.500 năm. Vì dáng điệu con mèo dịu dàng, nhanh nhẹn khôn khéo, coi như nhàn hạ và hiền hậu, nên tổ tiên ta đã chọn con mèo làm biểu tượng cho chi Mão trong 12 địa chi, đề tính thời gian theo âm lịch. Giờ Mão từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, giờ con mèo no nê ngơi nghỉ sau khi săn mồi, giờ rạng đông và bình minh của một ngày mới. Ngày Mão thường là những ngày có nhiều điều nên làm mà ít điều cấm kỵ. Tháng Mão là tháng giữa mùa Xuân, thời tiết mát mẻ cây cối đâm chồi nẩy lộc xanh mầu xanh non lá mới, cũng là tháng mà mèo cái xốn xang muốn được truyền giống. Năm Mão là năm thứ bốn theo cách tính âm lịch, qua chu kỳ 12 năm lại tới năm Mão, năm có vũ điều phong thuận, khiến nhà nông được mùa, không phải cái cảnh “năm Thìn năm Tỵ, chị chẳng nhìn em”.

Chi Mão có con mèo cầm tinh, nên để đoán thời vận cho người tuổi mão, người ta tìm ra những tính nết của con mèo, rồi bàn rộng ra áp dụng cho cái gọi là vận mệnh của người sinh năm mão. Trong 12 con giáp, mèo là con vật dịu dàng nhất. Ảnh hưởng của thiên nhiên vũ trụ dường như cũng theo chu kỳ mà lặp lại, khiến cho người sinh ra trong năm Mão tuy không thuộc loại nghiêng nước nghiêng thành, nhưng lại toát ra một khí chất đặc biệt, rất dịu dàng, không thích gây gỗ, luôn mong muốn mọi người đều là bạn, nên cũng được nhiều người thương mến. Tuy nhiên, người tuổi mão cũng rất hiếu động, quyết không ngồi yên khi họ bị chèn ép, mà ngay lập tức họ có phản ứng thích hợp. Đó là một số những nhận xét của những nhà tướng số khi đoán vận mệnh cho người tuổi mão, tin hay không tin là tuỳ theo nhận thức của từng người.

(Tài liệu dựa theo Tự diển World Book)

 

Tri Chi

 

 

CON MÈO TRONG TỤC NGỮ, THÀNH NGỮ VIỆT NAM

 

Trong bài vè về "Mười Hai Con Giáp”, mèo được phác họa như sau:

…Tuổi Mão, là con mèo ngoao
Hay quấu hay quào, ăn vụng quá tinh.


Mèo là loài thú được thuần dưỡng từ lâu và trở thành một con vật thân thiết, hữu ích đối với các gia đình. Cũng từ rất lâu, nuôi mèo, “chơi” mèo là thú vui của các gia đình – đặc biệt là gia đình khá giả (chẳng hạn, trong giai thoại Truyện Trạng Quỳnh có truyện Ăn trộm mèo). Nhân năm mới Tân Mão đến, chúng tôi thử làm cuộc khảo sát về con mèo trong văn hóa dân gian – chủ yếu là qua tục ngữ, thành ngữ của Việt Nam.

Trước khi tìm hiểu vấn đề, xin được nói sơ về tên gọi. Ngoài tên gọi quen thuộc thuần Việt là mèo, còn vật này còn được gọi bằng các khác tên như: mão, miêu (Hán Việt), mỉu, miu và gần đây, “dân nhậu” còn “sáng tạo” ra tên gọi mới là “tiểu hổ”!

“Mất điểm” trong quan niệm dân gian

Khảo sát kho tàng tục ngữ, thành ngữ người Việt, chúng tôi nhận thấy rằng, mèo có vẻ bị mất điểm trong quan niệm dân gian. Số câu thành ngữ, tục ngữ có sự xuất hiện của mèo mang nghĩa tích cực không nhiều lắm. Chúng tôi chỉ thấy 04 lần mèo có “phút huy hoàng”. Đó là khi cha ông mô tả cách ăn từ tốn, “ăn nhỏ nhẻ” của mèo và từ đó mượn câu nói “Ăn nhỏ nhẻ như mèo” để khuyên người phụ nữ về nết ăn. Phụ nữ ăn nhỏ nhẻ được khen là có nết. Nhưng đàn ông ăn như mèo thì bị chê bai, cho là tật xấu. Khi so sánh cách ăn của hai phái này, dân gian đã nói “Nam thực như hổ - nữ thực như miu” là vậy. Ngoài câu thành ngữ trên, chúng tôi còn thấy thêm 2 câu nữa có ý nghĩa tích cực khi nói về mèo là Có ăn nhạt mới thương tới mèo. Câu này ngụ ý nói khi lâm cảnh khổ thì người ta mới biết thương người không may mắn bằng mình. Câu Mèo con bắt chuột cống chỉ người trẻ tuổi tài cao, làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi. Riêng câu Rình như mèo rình chuột để chỉ ý chí và sự kiên nhẫn, siêng năng khi thực hiện công việc của một ai đó nhưng cũng có nghĩa là chê bai ai đó tò mò, xăm soi chuyện người khác. Câu Mèo già hóa cáo ngụ ý nói người già sống lâu nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ngoài ra, nó còn nghĩa là người mới đầu làm việc gì thì rụt rè nhút nhát, nhưng ở lâu năm thì tinh ma ranh mãnh. Hai câu này có nghĩa trung tính, ý nghĩa kép.

Ngoài những điểm sáng trên, số còn lại là các thành ngữ, tục ngữ mà hình ảnh của mèo được nhìn với cái nhìn tiêu cực. Chẳng hạn như để nói về kẻ hà tiện, bủn xỉn, dân gian nói Buộc cổ mèo, treo cổ chó. Khi chê những người đần độn, ngu ngốc hoặc không có tài năng người xưa cũng lôi mèo vào Chó gio, mèo mù. Ai đó tỏ vẻ tức giận người khác bằng cách chửi mắng vu vơ thì được mô tả là chửi chó mắng mèo hay khi bực mình người khác mà trút giận qua những con vật nuôi trong nhà thì gọi là Đá mèo, quèo chó. Ngay cả một tập tính rất đáng quý – mà con người cũng cần phải học là trước khi đại tiện, mèo thường moi một lỗ để sau khi “hành sự” xong thì chôn dấu đi cũng bị gia chủ nói Giấu như mèo giấu cứt. Câu này ý chê những người giấu diếm thứ gì, điều gì đó quá ư là kỹ. Mượn thói quen Im ỉm như mèo ăn vụng để ám chỉ những kẻ cố tình che giấu tội lỗi bằng cách im lặng tuyệt đối, hoặc những kẻ hễ thấy lợi là giấu giếm hưởng một mình, không cho ai hay biết.

Thương mèo nhất là khi nói về hạng người vô lại, trai trộm cướp, gái lăng loàn khiến ai cũng khinh ghét thì dân gian nói đồ Mèo mả gà đồng. Tương đồng với thành ngữ này là câu: Mèo hoang lại gặp chó hoang/anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai. Và đặc biệt, do quan niệm mê tín, người ta cho rằng tự dưng mèo đến nhà thì thường mang lại điều xui sẻo: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu.

Về mối quan hệ của mèo với các con vật khác có vẻ cũng không…ổn lắm. Trước hết là quan hệ với chó. Mèo với chó thường tranh giành thức ăn của nhau, cắn xé nhau. Chính vì vậy mà khi anh em trong gia đình hay mâu thuẫn, cãi lộn nhau, bố mẹ hay so sánh: “Anh em như chó với mèo”. Nhưng có lẽ mối quan hệ giữa chuột và mèo mới là điểm không thể bỏ qua. Người ta cho rằng đó là “mối thù truyền kiếp”. Đa số khi nói đến chuột là người ta nhắc đến mèo, và ngược lại: Con mèo, con méo, con meo/Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà. Nói về “thâm tình” này, người ta hay nhắc đến câu đồng dao trào lộng: Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đàng xa/Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

Mượn hình ảnh mèo để gởi gắm những kinh nghiệm, triết lý nhân sinh

Song song với nhận định trên, tác giả dân gian đã mượn hình ảnh mèo để gởi gắm những kinh nghiệm, đúc kết những triết lý sống ở đời.

Trước hết, đó là kinh nghệm cảnh giác khả năng ăn vụng của mèo bằng cách Chó treo, mèo đậy hoặc Mỡ (chớ để) để miệng mèo. Nhiều nhất là mượn hình ảnh của mèo để gởi gắm, đúc kết hoặc phê phán những thói hư ở đời. Chẳng hạn như, khi ai đó tự đắc về tài cán của mình, quá tự tin vào khá năng chắc thắng của mình, dân gian nhắc: Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào. Câu này ý nói mỗi người đều có sở trường riêng của người ấy, chưa chắc ai đã hơn ai. Từ công việc của mỗi loài: Chó giữ nhà, mèo bắt chuột, dân gian khái quát: ai cũng có nghề nghiệp chuyên môn của mình, đừng tị nạnh nhau, và cũng đừng can thiệp vào việc của nhau. Nhận định Không có chó bắt mèo ăn cứt ý nói phải dùng một người trong một tình huống bất đắc dĩ, không đúng với sở trường, khả năng của người đó. Khi bắt tay vào việc, dân gian khuyên rằng Mèo nhỏ bắt chuột con. Câu này ngụ ý nhắc nhở hãy biết liệu sức mình mà đảm đương công việc. Tài hèn sức mọn mà ham đảm trách việc lớn thì chỉ chuốc lấy thất bại thôi. Do vậy mà khi nói về ai đó làm một việc nguy hiểm, liều lĩnh, dân gian nói Chuột cắn dây buộc mèo hoặc Chuột gặm chân mèo. Để phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người, dân gian nói Chó chê mèo lắm lông. Một người tài thô trí thiển mà muốn cáng đáng việc lớn lao quá sức mình, không đúng với khả năng cho phép dân gian nói Mèo vật đụn rơm. Còn những người không có tài cán gì, nhưng lại đòi hỏi quyền lợi cao thì dân gian lại phê phán Mèo miệng đòi ăn xôi vò. Những người không có tài năng đi lang thang, vơ vẩn thì bị dân gian chê là Chó khô mèo lạc. Hình ảnh Mèo mù móc cống được dân gian mượn để chỉ những kẻ không còn phương kế sinh nhai. Câu nói quen thuộc Mèo khen mèo dài đuôi thực ra, còn một vế nữa “Chuột khen chuột nhỏ dễ chui, dễ trèo. Câu này ý chê trách ai đó quá tự cao, tự hào về bản thân. Suy tư về chuyện quyền chức, địa vị thì mượn tương quan của cọp với mèo: Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt. Càng mất quyền lợi ở địa vị cao thì càng đau khổ hơn người ở địa vị thấp.

Dân gian khá dị ứng với những người đàn bà bị chồng chê, chồng bỏ vì hư đốn, phải về nhà cha mẹ ruột, thay vì chỉ còn biết âm thầm sống đến già, không mong được ai cưới hỏi nữa, nhưng lại khoa trương nọ kia để củng cố danh giá mình. Họ phê phán rất tinh tế Mèo lành ai nỡ cắt tai/gái kia chồng rẫy khoe tài làm chi? Tương đồng với nhận định này là câu Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm. Từ đó, dân gian gởi gắm những bài học trong quan hệ vợ chồng: Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt/vợ phải rẫy tiu nghỉu như mèo lành mất tai. Câu này có ý khuyên các ông chồng không nên nuông chiều vợ quá, mà cũng không nên hiếp đáp quá. Nuông chiều thì vợ lờn mặt, lâu dần sẽ lấn áp quyền chồng. Còn hiếp đáp thì vợ buồn rầu, gia đình mất hòa khí, mất hạnh phúc.

Trên đây là vài phác thảo về chân dung con mèo trong kho tàng văn hóa dân gian. Bức tranh chung về mèo là…mất điểm. Tuy nhiên, người viết nghĩ rằng, mèo đã/đang làm vật hy sinh, làm tấm bia để cho chúng ta thấy rõ những vấn đề của cuộc sống để từ đó mà sống tốt, sống vui ở đời hơn. Đây cũng là tâm nguyện và mong ước của chúng tôi khi viết những dòng này.

Đặng Quốc Minh Dương

 

TẢN MẠN CHUYỆN MÈO

Canh Dần qua, Tân Mão tới. Mão là năm thứ tư trong chu kỳ tính âm lịch theo mười hai địa chi. Mèo chỉ có trong 12 con giáp của Việt Nam. Trong khi đó “nhân vật” thứ tư này đối với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn độ, Thái Lan…lại là thỏ.

Nhiều quan niệm khác nhau về mèo.
 
Người Trung Quốc tin rằng con mèo là sứ giả của điềm lành. Nhiều nơi trên đất nước rộng lớn này, người ta còn mô phỏng động tác của mèo trong các điệu múa cầu mong cho mùa màng. Người Campuchia thường dùng mèo như vật dâng cúng trong các lễ hội cầu mưa. Ở Nhật Bản, mèo là con vật báo điềm dữ. Người Nhật tin rằng mèo có khả năng giết chết đàn bà và nhập hồn vào thân xác họ. Ở Ấn Độ, mèo tượng trưng cho kẻ khổ hạnh đi tìm phúc lạc. Những người cổ Hylạp và Lamã đã nuôi mèo để diệt loài gặm nhấm. Tại Rôma, mèo đã là biểu tượng của tự do và được coi là thần bảo hộ cho các bà nội trợ. Người Đông phương hâm mộ vẻ đẹp và sự huyền bí của mèo. Con vật này trở thành chủ đề hấp dẫn cho các nghệ sĩ và văn sĩ tại Trung Hoa và Nhật Bản. Người Ai cập cổ đại khắc họa mèo như một vị thần có khả năng ban phúc và bảo hộ. Mèo là con vật huyền bí. Họ đã thờ thần tình ái Bastet bằng một pho tượng đồng người phụ nữ có đầu là đầu mèo. Nếu ai giết một con mèo, người ấy sẽ bị tử hình. Khi con mèo họ nuôi bị chết, người Ai cập xưa cạo đôi lông mày như một dấu hiệu để tang cho mèo. Họ đem ướp xác con mèo đó và chôn cất tử tế. Các nhà khoa học đã tìm được tại Ai cập một nghĩa địa cổ chôn đến hơn ba trăm ngàn con mèo đã được ướp xác cẩn thận

Trong thế giới đạo Phật, mèo được xem là kẻ vô cảm, không biết xúc động. Đạo Hồi dành cho mèo một vị trí của kẻ được trọng vọng, ngoại trừ mèo đen. Người Hồi giáo tin rằng con mèo có bộ lông đen mượt cùng với cặp mắt xanh lè là kẻ có nhiều ma thuật.Trong một vài nền văn hóa ở Châu Phi, mèo tượng trưng cho sự tài giỏi, có khả năng thấu thị, giống như những nhà tiên tri. Mèo đặc biệt được quý trọng ở Bắc Mỹ. Tại đây, người ta coi mèo tượng trưng cho kẻ có chí lớn, biết cách đạt được mục đích.

Sở dĩ có sự không đồng nhất trong quan niệm về mèo, ngoài vấn đề văn hóa, có lẽ còn bởi sự mâu thuẫn từ hình thức đến đời sống của mèo.

Tính cách hai mặt của mèo.

Mèo là con vật dễ thương, gần gũi với con người, dáng nhỏ nhắn, cử chỉ đáng yêu. Nơi mèo đầy sự mâu thuẫn ngay từ hình thức bề ngoài của nó. Mèo là con vật đẹp và có tính cách hai mặt đối kháng. Mèo thật hiền lành khi nó nằm dài ngủ yên, khi nó cạ nhẹ vào chân người. Mèo cũng thật dữ dằn khi nó nhe răng gầm gừ và giơ móng nhọn chiến đấu với chó, hay vồ chuột nhanh như chớp. Uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng cũng đầy sự vờ vĩnh. Vẻ đài các từ màu sắc, độ óng mượt của bộ lông, cho đến mỗi bước đi, nhưng kèm theo là khả năng cắn xé tàn bạo, giết con mồi trong chớp mắt. Một thực tế cay nghiệt là mèo chỉ thực sự hấp dẫn, có thiện cảm khi lao thẳng vào con chuột với những móng vuốt sắc nhọn. Từ hành động khả ái nhất này cũng đã hàm chứa sự ghê tởm của kẻ rình rập gieo tai họa cách bất ngờ cho đối phương.Cứ xem mèo vờn chuột và thịt chuột mới thấy sự tàn bạo của hành vi kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Vờn uy hiếp cho chuột mất vía để kích thích dịch vị ăn cho ngon, mèo tung chuột văng xa rồi nhảy theo vồ lấy rèn luyện kỷ năng săn mồi, sau đó mới chén chuột đã tả tơi.

Phim “Tom và Jerry” coi mèo Tom là nhân vật phản diện, đần độn to xác đáng ghét, còn chuột nhắt Jerry lí lắc dễ thương. Con người ghét kẻ mạnh hiếp kẻ yếu nên thường mượn chuyện ngụ ngôn để dạy đời. Mèo to xác mà ăn hiếp con chuột nhắt bé tí. Nếu mèo vồ con hổ, người ta lại bốc thơm mèo ngay.

Theo truyện cổ của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, khi Ngọc Hoàng mở cuộc thi chọn 12 con vật để làm đại diện cho 12 năm thì chuột (Tí) đã lừa mèo (Mão) bằng cách thông báo sai thời gian thi khiến hôm ấy mèo ngủ quên. Mèo không có mặt trong 12 con giáp và đó là nguyên nhân khiến mèo thù chuột!

Riêng với 12 sự tích của Việt Nam thì mèo cùng chuột đi thi. Khi đi ngang qua con sông lớn, cả hai phải nhờ trâu để quá giang. Giữa dòng, chuột lựa mèo lúc sơ ý bèn đạp mèo ngả xuống sông, còn trâu cõng chuột đến cửa thiên đình sớm nhất. Lúc ấy cửa hé mở và chuột đã nhanh nhẹn lẻn vào trước, trâu chậm hơn đành xếp thứ hai. Riêng phần mèo may mắn khi rớt xuống sông thì gặp hổ cứu và cặp này chiếm vị trí thứ ba và thứ tư trong 12 con giáp. Cái kết của sự tích 12 con giáp ở Việt Nam hay các nước đều giống nhau: mèo thù chuột do cuộc thi này mà ra!

Trong văn học nghệ thuật, nhất là mảng dân gian, mèo thường đóng vai trò nhân vật phản diện. Người ta phủ nhận mọi sự tu dưỡng của mèo! Mèo già... chỉ có thể hóa cáo, một cấp độ còn cao hơn về sự suy đồi đạo đức, bởi cáo bị ví như kẻ gian xảo, tiểu nhân. Khi cần diễn đạt sự hư hỏng, người ta nghĩ ngay đến những con mèo hoang sống lang thang ở những nơi tăm tối, nhơ bẩn.

Ngay bản thân từ mèo khi được dùng trong ngữ cảnh bình thường của đời sống, dùng một cách “vô tư”, cũng không hàm ý một cái gì nghiêm túc, tử tế. Nói chung, hình tượng mèo phần lớn gắn với những gì đáng phê phán. Trong trường hợp phải ẩn dụ kín đáo thì mèo biểu tượng cho thói khuê các không phải lối, ám chỉ những người sống không đúng với vị thế, tư cách của mình “Mèo khen mèo dài đuôi”. Thông thường hơn cả là người ta gán mèo cho những gì gần với sự thô lậu về tính cách. Vì thế, mèo luôn là hình tượng dùng khi cần đả kích chế giễu. Đặc sắc nhất về mặt hài hước gắn với mèo, có lẽ là bài đồng dao: “Con mèo mà trèo cây cau...”. Con mèo ở đây chứa tất cả những phẩm chất của một kẻ võ biền, cậy quyền lực nhưng ngu dốt và lố bịch. Có lẽ mèo trở thành hình tượng bất hủ về sự hung ác, nguy hiểm, đáng ghét hơn cả chính là ở bức tranh “Đám cưới chuột”. Nội dung bức tranh có thể còn nhiều cách hiểu như đa phần những tác phẩm nghệ thuật có thể rộng lớn, thú vị và sâu sắc hơn nội dung tố cáo thói tham tàn của các bậc “đèn Trời” được mệnh danh là “cha mẹ dân”, hoặc đả kích thói hèn hạ của đám nịnh thần... nhưng nếu chỉ xét những nội dung dễ thấy ấy thôi, thì con mèo cũng không có mảy may cơ hội được hiểu như một kẻ vô tội, vô can hay lương thiện. Ở góc độ nào, nó cũng là nhân vật xấu xa và đáng sợ, cần phải cảnh giác bằng cách tránh xa. (x.Tạ Duy Anh, báo Tuổi trẻ cười, số Xuân Tân Mão,).

Mèo, nguồn cảm hứng của võ thuật.

Mèo là loài vật có biệt tài săn mồi. Tất cả mọi sinh hoạt của mèo có đầy đủ tố chất cần thiết để có thể nghiên cứu, chuyển hóa, phổ quát thành những bài võ, bài thế tự vệ, chiến đấu hữu hiệu, nhất là trong những tình huống lấy nhu hóa cương. Đặc biệt ưu điểm của loài mèo là “đánh nhanh, rút êm”, có khả năng quan sát tinh tế, phán đoán linh ứng, phóng cao, chạy nhanh, xoay chuyển linh hoạt, uyển chuyển, mềm mại, nhanh nhạy, tinh khôn…nên mèo trở thành nguồn cảm hứng của võ thuật. Đi không tiếng động, nhảy vọt, leo trèo cực giỏi, khi lâm trận có những cú tát bằng hai chân trước rất nhanh.Theo ông Phạm Đình Phong, Phó chủ tịch liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam thì những đặc tính đó của loài mèo đã khiến nó trở thành nguồn cảm hứng của võ thuật. Ông viết trong báo Tuổi trẻ, số Xuân Tân Mão thật đặc sắc về võ mèo.

Chúng ta thường thấy võ khỉ, võ hổ, võ đại bàng… Và mèo, đương nhiên cũng là nguồn cảm hứng cho võ thuật khi con vật này có quá nhiều ưu điểm để các bậc võ sư học theo. Này nhé, dáng đi uyển chuyển không tiếng động là nguồn cảm hứng cho những ai nghiên cứu khinh công, những cú tát mạnh mẽ với hai bộ vuốt sắc như dao và ra đòn nhanh như chớp giật là cảm hứng cho những ai chuyên về trảo.Tuy nhiên, đối với những người nghiên cứu khoa học về những võ thuật như chúng tôi, chuyện võ mèo cần phải được chứng minh cụ thể chứ không chỉ nghe kể là như thế này hoặc thế kia. Còn nếu có thì võ mèo ra đời từ lúc nào và những quyền năng đặc biệt của nó ra sao? Qua nhiều năm nghiên cứu dựa theo các tư liệu, hiện vật, bài võ có liên quan đến võ mèo sưu tập ở một số bảo tàng, thư viện, vùng đất võ, môn phái võ nổi tiếng trong cả nước, tôi được biết ở nước ta võ mèo xuất hiện rất sớm.Trước hết, người Việt xưa rất giỏi võ vì xuất phát từ nhu cầu đấu tranh sinh tồn nhằm chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, trộm cướp và kẻ thù luôn rình rập, xâm hại. Điều thú vị là trong thời kỳ sơ khai, võ nghệ của người Việt cổ chủ yếu dựa theo các thao tác lao động hằng ngày như: săn bắt, leo trèo, ném đá, phóng lao, bắn nỏ của người miền núi; cày bừa, mang vác, đâm chém, hái lượm, chạy nhảy của người miền xuôi và chèo chống, kéo đẩy, bơi lặn, chài lưới của người miền biển. Đồng thời con người còn tập trung quan sát, mô phỏng (bắt chước) theo các tính năng di động, tư thế rình mồi, vờn mồi, vồ mồi, bắt mồi, tấn công, phòng thủ của một số loài động vật. Và dĩ nhiên trong đó không thể thiếu con mèo loài vật rất gắn bó với con người. Chính vì vậy võ mèo không chỉ tồn tại như một tất yếu khách quan trong buổi đầu manh nha của các hình thái võ thuật sơ đẳng, cùng với các loại hình võ khác mang tính đặc thù của một số động vật có khả năng tương tự, như: võ hổ (hổ quyền), võ khỉ (hầu quyền), võ rắn (xà quyền), võ gà (kê quyền)…mà còn được các nhà nghiên cứu võ học chuyển tác, xây dựng thành các bài võ, đòn thế võ tuyệt chiêu, với vô số tính năng độc đáo, đa dạng. Võ mèo thực sự đã góp phần làm phong phú các loại hình võ thuật chiến đấu, góp phần bổ sung vào kho tàng võ cổ truyền dân tộc và sau này là nền võ học chân truyền Việt Nam thêm đồ sộ, phong phú hoàn mỹ.Tuy nhiên, do phần lớn bài võ, thế võ được mô phỏng, tạo tác từ các loài vật chủ yếu truyền khẩu là chính và trải qua hàng ngàn năm không được sưu tầm, đúc kết, bảo tồn nên bị mai một rất nhiều. Trong khi đó các vị võ sư tiền bối am hiểu sâu về võ mèo đều lần lượt qua đời nên hầu hết đã bị “tam sao thất bản” hoặc mất dần theo thời gian. Đến nay các bài võ mèo còn lại không nhiều và cùng không được phổ biến rộng rãi. Theo ghi nhận của các nhà chuyên môn, có lẽ bài “miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt) là một trong những bài võ mèo tồn tại lâu đời trên đất nước ta. Năm 1965, tôi có học qua thầy Huyền Ấn Khoa và thầy Nghĩa Hiệp, sau đó có xem lão võ sư Quách Cang, Tạ Cảnh Thâm (ở An Thái) cùng một số thầy võ ở Bình Định biểu diễn bài “miêu tẩy diện”. Bài này có khoảng 32 động tác, được phân thành các thế liên hoàn, biến hóa linh diệu, phối hợp nhịp nhàng giữa bộ tay với bộ chân theo nguyên lý âm dương tương tác và cương nhu phối triển, trong đó có phần nghiêng về nhu thuận. Các tư thế di chuyển, né tránh, lập chủ, đảo “ngựa” (chân), phát động tấn công, lui về phòng thủ, phá giải các đòn thế… thường mô phỏng theo các đặc tính của loài linh miêu là hết sức nhẹ nhàng, biến hóa khôn lường, không nghe tiếng động, tựa như chiếc lá đang bay. Trong đó có một số động tác mang hình tượng “mèo đang rửa mặt”. Ngoài ra, bài này còn phối kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa các bộ pháp như: thần pháp, tâm pháp, khí pháp, nhãn pháp… tạo nên bài võ cực kì độc đáo, hóc hiểm, hội đủ các yếu tố về nội công lẫn ngoại lực theo phương châm “mền nhưng không yếu, cứng nhưng không gẫy”. Nhờ vậy, bài võ không những thích ứng với mọi tình huống chiến đấu, tự vệ, nhất là các chiêu thức ẩn mình mai phục, tiến đánh cận chiến, mà còn góp phần bồi bổ sức lực, điều hòa khí huyết cho những người thường xuyên luyện tập đúng phương pháp. Bên cạnh các bài võ mèo, còn có nhiều đòn thế tạo tác từ tính năng đặc thù của mèo như: thế võ “linh miêu mai phục, tấn thích ngưu” (mèo đang mai phục rình mồi, tiến đánh thế đâm trâu), trong bài “Thái sơn thảo pháp”, thế “Thoái bộ kim cương, Miêu tẩy diện” (lui về đứng bộ thương vàng, rồi chuyển thế mèo rửa mặt), trong bài hầu quyền, hay trong 18 đường quyền tuyệt kỹ võ công có thế “ Linh miêu tróc thử” (mèo vồ chuột), hoặc trong bài “Trường côn thế pháp” có thế “Trích thủy linh miêu, thôi sơn tắc hải”, “Hắc miêu lưỡng đả tầm xà”… là những đòn thế cực kỳ lợi hại, mang tính sát thương cao.Mặc dù bị thất truyền rất nhiều do tính chất truyền khẩu của các bài võ cổ truyền, nhưng tôi biết có một số lò võ cố gắng sưu tầm, gìn giữ những bài võ mèo. Ví dụ, võ đường Hà Trọng Ngự và Hà Trọng Khánh (đệ tử của võ sư huyền thoại Hà Trọng Sơn) ở Gò Vấp, Tp. HCM còn lưu giữ và truyền dạy một số bài võ mèo tiêu biểu như “Linh miêu độc chiến” và “Bạch miêu quyền”.

Người tuổi mèo

Con người đã nuôi mèo từ rất xa xưa. Vì dáng điệu con mèo dịu dàng, nhanh nhẹn khôn khéo, coi như nhàn hạ nên được chọn làm biểu tượng cho chi Mão trong 12 địa chi, đề tính thời gian theo âm lịch. Giờ Mão từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, giờ con mèo no nê ngơi nghỉ sau khi săn mồi, giờ rạng đông và bình minh của một ngày mới. Ngày Mão thường là những ngày có nhiều điều nên làm mà ít điều cấm kỵ. Tháng Mão là tháng giữa mùa Xuân, thời tiết mát mẻ cây cối đâm chồi nẩy lộc xanh mầu xanh non lá mới, cũng là tháng mà mèo cái xốn xang muốn được truyền giống. Năm Mão là năm thứ bốn theo cách tính âm lịch, qua chu kỳ 12 năm lại tới năm Mão, năm có vũ điều phong thuận, khiến nhà nông được mùa.

Chi Mão có con mèo cầm tinh, nên để đoán thời vận cho người tuổi mão, người ta tìm ra những tính nết của con mèo, rồi bàn rộng ra áp dụng cho cái gọi là vận mệnh của người sinh năm mão. Trong 12 con giáp, mèo là con vật dịu dàng nhất. Ảnh hưởng của thiên nhiên vũ trụ dường như cũng theo chu kỳ mà lặp lại, khiến cho người sinh ra trong năm Mão tuy không thuộc loại nghiêng nước nghiêng thành, nhưng lại toát ra một khí chất đặc biệt, rất dịu dàng, không thích gây gỗ, luôn mong muốn mọi người đều là bạn, nên cũng được nhiều người thương mến. Tuy nhiên, người tuổi mão cũng rất hiếu động, quyết không ngồi yên khi họ bị chèn ép, mà ngay lập tức họ có phản ứng thích hợp. Đó là một số những nhận xét của những nhà tướng số khi đoán vận mệnh cho người tuổi mão, tin hay không tin là tuỳ theo nhận thức của từng người.

Năm nay nhiều người mang tuổi Mão hẵn đã vui vì hầu hết các lá số bói đầu năm đều cho rằng người tuổi Mão thông minh, ôn hòa, giàu nhân ái và nên cẩn trọng trong cuộc sống. Các lời giải bói toán có điểm giống và khác nhau theo từng tuổi, nhưng tựu chung đều có sung sướng, có may mắn và cũng có rủi ro, xui xẻo để đề phòng; và rồi tất cả đều tai qua nạn khỏi nếu biết “ăn hiền ở lành”, vì rõ ràng là “đức năng thắng số”.

Năm cũ đang qua đi, năm mới đang đến gần. Xuân đã về trước sân nhà. Xuân bước nhẹ qua mọi nẻo đường lối ngõ. Nguyện xin Thiên Chúa ban phúc lành cho mọi người, mọi nhà.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

SƯU TẦM

Thông tin khác:
Hãy tỏa sáng (17/09/2012)
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Chuẩn xứ Sử Pán - Sapa ngày Chầu Lượt lần đầu tiên
Chuẩn xứ Sử Pán - Sapa ngày Chầu Lượt lần đầu tiên
Trong tâm tình háo hức đợi chờ ngày được làm một việc mà bấy lâu mình toàn "đi ké" người ta, thì hôm nay, ngày 07.04.2024, Chúa Nhật II Phục sinh - Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, Chuẩn xứ Sử pán - Sapa đã có được ngày hồng ân đặc biệt này, ngày Chầu Lượt thay mặt giáo phận.
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log