Thứ năm, 12/09/2024
I. ĐÔI  NÉT VỀ GIÁO PHẬN HƯNG HOÁ
Giáo phận Hưng Hoá được thành lập năm 1895 dưới thời Đức Giáo Hoàng LÊ-Ô XIII, với tên gọi là Giáo phận ĐOÀI, Đức Cha Lộc người Pháp làm Giám Mục tiên khởi (1895-1938), tiếp đến là hai giám mục người Pháp: Đức Cha Vạn (1938-1943) và Đức Cha Kim (1946-1960). Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Toà Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đồng thời nâng Giáo phận Tông Toà Hưng Hoá lên hàng Giáo phận Chính Toà và đặt Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Quang (1960-1985) làm Giám mục Chính toà đầu tiên. Kế vị ngài là Đức Cha Giuse Phan Thế Hinh (1985-1989); sau đó là Đức Cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu (1991-1992). Năm 1924, Giáo phận Đoài được đổi tên thành Giáo phận Hưng Hoá. Như thế, tính đến năm 1992 Giáo phận Hưng Hoá có sáu giám mục: ba vị người Pháp và ba vị người Việt. Vị Giám mục thứ bảy là Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ký Tông sắc bổ nhiệm ngày 05/08/2003, sau hơn 11 năm trống ngôi. 
Nằm ở Phía Tây Bắc Việt Nam, Giáo phận Hưng Hoá trải rộng trên địa bàn 10 tỉnh, với diện tích khoảng 54.500 km2 và trên 200.000 giáo dân. 
Tỉnh Hà Tây: nơi có Toà giám mục và Nhà thờ Chính toà, có khoảng 20.000 giáo dân.
Tỉnh Phú Thọ: nơi tập trung nhiều giáo dân nhất, trên 100.000.
Tỉnh Yên Bái: khoảng 45.000 giáo dân
Tỉnh Lào Cai: giáp với Trung Quốc, khoảng 10.000 giáo dân.
Tỉnh Tuyên Quang: có khoảng 14.000 giáo dân
Tỉnh Hà Giang: trên 1000 giáo dân.
Tỉnh Hoà Bình: 5000 giáo dân, mới được phục hồi năm 2002 sau 56 năm không có một hoạt động tôn giáo nào.
Ba tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên: có khoảng 5000 giáo dân, nhưng chưa có điều kiện sinh hoạt tôn giáo bình thường.
Nhìn chung, các tỉnh Tây Bắc Việt Nam có địa hình đồi núi hiểm trở, nền kinh tế khó phát triển. Tuy nhiên, trong trong các tỉnh này có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh như: Đền Hùng, Thuỷ Điện Hoà Bình, Núi Ba Vì, Chùa Tây Phương, Sapa...
Hiện nay (12/2009), với trên 200.000 giáo dân trong tổng số dân khoảng 6.000.000 người, Giáo phận Hưng Hoá chiếm tỷ lệ 3,5% dân số, với 63 linh mục (trong đó có 2 linh mục đang tu nghiệp tại Pháp; 1 linh mục tu nghiệp tại Rôma, 1 linh mục tu nghiệp tại Mỹ), 40 chủng sinh, 160 tu sĩ dòng Mến Thánh Giá, khoảng 100 tu sinh nam và trên 100 tu sinh nữ; có 70 giáo xứ và hơn 400 họ đạo, sinh hoạt trong 7 giáo hạt… Dân chúng đa số làm nông-lâm nghiệp. Số ít còn lại làm nghề tiểu –thủ - công nghiệp.
Toà Giám mục Hưng Hoá trước đây, từ năm 1985-1950 được đặt tại tỉnh Hưng Hoá (nay chỉ là một thị trấn thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), nhưng từ ngày 02/05/1950, vì lý do chiến tranh tàn phá, Toà Giám Mục phải di dời về tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Khuôn viên nhà thờ Chính Toà và Toà Giám mục Hưng Hoá  trước đây nay chỉ còn khoảng 1000m2 đất trống do giáo dân họ Hưng Hoá sở hữu.

II. PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG GIÁO PHẬN
Giáo phận đã định hướng xây dựng Giáo phận, giáo xứ, giáo họ trở thành một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, tất cả nhằm trở nên một cộng đoàn truyền giáo. Việc này được tiến hành đồng thời cho người đang sống đạo, cho người đã nhập đạo nhưng không còn sống đạo – nghĩa là tái Phúc Âm Hoá. Tất cả được thực hiện theo phương thức mới -  Tân Phúc Âm Hoá.
Đó là định hướng xây dựng của Giáo phận. Dựa vào định hướng này, Giáo phận đã đưa ra những phương thức để xây dựng Giáo phận.

III. PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG GIÁO PHẬN.
1. Quan tâm hàng đầu đến việc đào tạo nhân sự:
- Đào tạo linh mục và tu sĩ: trước đây vì hoàn cảnh lịch sử không thuận lợi, nên hiện nay các linh mục và tu sĩ cảm thấy cần được bồi dưỡng về mọi mặt, để cập nhật cho phù hợp với đà phát triển và đổi mới của Giáo Hội cũng như của xã hội. Những đợt tĩnh tâm và thường huấn được tổ chức hàng năm nhằm đáp ứng yêu cầu này.
- Đào tạo Ban hành giáo: tất cả những người được bầu chọn vào ban hành giáo trong các họ đạo, đều được tham dự những khoá huấn luyện, do Ban Mục Vụ Giáo Phận tổ chức.
- Đào tạo ứng sinh linh mục: các chủng sinh được hỗ trợ tích cực của Toà Giám mục khi theo học tại đại chủng viện, và trong kỳ nghỉ hè được gửi đi thực tập mục vụ một tháng tại các họ đạo. Các tu sinh (đã tốt nghiệp hoặc đang theo học đại học hoặc cao đẳng) tham dự các buổi tĩnh tâm hàng tháng, và được học tập để chuẩn bị vào đại chủng viện. Các tu sinh thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá cũng được chuẩn bị tương tự. Giáo phận hỗ trợ kinh phí đi lại và một phần chi phí ăn học cho các tu sinh nói trên. Phần lớn trong số họ, đều xuất thân từ các gia đình nghèo.
- Đào tạo giáo lý viên: qua nhiều khoá huấn luyện, hiện nay giáo phận có khoảng 80 giáo lý viên cấp Giáo phận, và trên 2000 giáo lý viên cấp giáo xứ. Ban giáo lý giáo phận hàng năm tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, và nâng cấp các giáo lý viên về Giáo lý hệ thống, như chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, Thánh Thể, Hoà Giải, Thêm Sức, Hôn Phối, và về Giáo lý Tin Mừng, chẳng hạn giúp các nhóm tĩnh tâm cầu nguyện lâu giờ trong nhiều ngày, hỗ trợ tích cực cho các chương trình giáo lý hệ thống.
- Đào tạo thừa tác viên: do thiếu linh mục, nên một số giáo dân trong các họ đạo tổng cộng khoảng 600 người, được chọn làm thừa tác viên ngoại lệ có thời hạn và được đào tạo để cử hành phụng vụ Lời Chúa và trao Mình Thánh Chúa. Mỗi năm có khoảng 10 khoá, do Ban Phụng tự Giáo phận tổ chức.
- Đào tạo ca trưởng, người đệm đàn: hàng năm, vào kỳ hè, Ban Thánh nhạc Giáo phận tổ chức các khoá đào tạo và nâng cấp cho những em được các giáo xứ, giáo họ đề cử. Họ sẽ là những người đệm đàn phụng vụ và dạy hát, điều khiển ca đoàn trong các thánh lễ và sinh hoạt phụng vụ.
2. Đẩy mạnh công việc phát triển xã hội và bác ái từ thiện qua các việc làm cụ thể như:
- Công tác khuyến học: Đây là việc cấp thiết và khả thi nhất, chẳng hạn như cấp học bổng cho các học sinh nghèo, tặng thưởng cho những học sinh xuất sắc, hỗ trợ kinh phí cho những học sinh nghèo nhưng hiếu học.
- Xúc tiến xây dựng các lớp học mầm non; phổ cập kiến thức cho những người khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị; mở các lớp tình thương, có hỗ trợ giấy bút và học phí cho các trẻ em nghèo.
- Trợ giúp người cùi: thăm viếng và tặng quà cho các người cùi trong địa bàn Giáo phận.
- Trợ giúp đồng bào các dân tộc: Giáo phận Hưng Hoá có tới 39 sắc tộc, thực tế mới chỉ kiểm chứng được 17 sắc tộc: Kinh (85%), Mèo (H’Mong), Mường, Tày, Nùng, Thái, Dao, Sán Chay, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, La Chí, Phù Lá, Sán Chỉ, Bố Y… trong đó có khoảng 10.000 giáo dân người dân tộc H’mông, và một số giáo dân người Thái, Mường, Dao, Tày. Còn rất nhiều anh em dân tộc chưa được loan báo Tin Mừng, đặc biệt tại một số tỉnh rộng lớn phía Tây-Bắc.
- Xin các dự án phát triển: ví dụ dự án cấp thoát nước, làm đường bê-tông, làm cầu, xây dựng trường học và bệnh xá…
3. Từng bước xây dựng cơ sở vật chất trong Giáo phận như:
- Nhà Thờ: Giáo phận Hưng Hoá có trên 400 họ đạo nhưng chỉ có khoảng 350 họ có nơi thờ tự. Trong thập niên qua, tuy có nhiều nhà thờ đã được xây dựng, nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 100 nhà thờ, nhà nguyện xuống cấp trầm trọng, nhiều nơi giáo dân còn phải sinh hoạt tôn giáo tại nhà tư.
- Tu viện: Giáo phận Hưng Hoá chỉ có một Hội dòng duy nhất là Dòng Mến Thánh Giá, sống trong 8 cộng đoàn. Nhìn chung, cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt của Hội dòng còn ở dưới mức trung bình.
- Trung tâm Mục vụ: trong Giáo phận, có một cơ sở Tiểu Chủng viện Hà Thạch cũ, cách trung tâm thị xã Phú thọ khoảng 2km, đã được chính quyền trao trả vài năm nay, cơ sở này đang được tu sửa để trở thành Trung Tâm Mục Vụ, nơi mở các khoá đào tạo cho mọi thành phần Dân Chúa.
- Toà Giám mục: Toà Giám mục hiện nay là một toà nhà 3 tầng được xây dựng từ năm 1990 và một số căn nhà được xây dựng từ năm 1950 chưa đủ để đáp ứng nhu cầu mục vụ của Giáo phận hiện nay.
 Địa chỉ liên lạc:
Toà Giám Mục Hưng Hoá, Số 70 Lê Lợi, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội
 Tel: (04) 33 832 453; Fax: (04) 33 834 461; E-mail: tgmhh@hn.vnn.vn
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Chuẩn xứ Sử Pán - Sapa ngày Chầu Lượt lần đầu tiên
Chuẩn xứ Sử Pán - Sapa ngày Chầu Lượt lần đầu tiên
Trong tâm tình háo hức đợi chờ ngày được làm một việc mà bấy lâu mình toàn "đi ké" người ta, thì hôm nay, ngày 07.04.2024, Chúa Nhật II Phục sinh - Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, Chuẩn xứ Sử pán - Sapa đã có được ngày hồng ân đặc biệt này, ngày Chầu Lượt thay mặt giáo phận.
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log