Thứ năm, 16/05/2024

Đêm Hoan Ca kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục của Đức Tổng Stêphanô Nguyễn Như Thể - TGP Huế

Cập nhật lúc 16:24 17/09/2012

Đêm Hoan Ca “Mẹ và Quê Hương” và Hội quán - Cà phê Vườn tại Trung tâm Mục vụ TGP Huế dịp kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục của Đức Tổng Stêphanô

Nhân dịp mừng Lễ Kim Khánh Linh Mục của Đức Tổng Giám Mục Huế, tối ngày 05/01/2012 vừa qua, đã diễn ra đêm hoan ca “Mẹ và Quê Hương”, Hội quán và Cà phê Vườn tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Huế.

I. HOAN CA “MẸ VÀ QUÊ HƯƠNG”:

Khoảng 07g00 tối, những bước chân vội vã của những vị khách quý đang dần bước lên từng bậc cấp để tiến vào Hội trường, tiếng của nhà thơ Lê Đình Bảng vang lên, chào đón quý Đức Cha, Đức Ông, quý Linh mục, nam nữ tu sĩ và Quý vị quan khách trong nước cũng như hải ngoại.

Mở đầu cho đêm hoan ca Mẹ và Quê Hương là lời khai mạc của, Đức Giám Mục Phụ Tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng.

Tiếp đến, cha Đaminh Minh Anh, Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo phận Huế, đã giới thiệu một vài ý tưởng của chủ đề Mẹ và Quê Hương, và ý nghĩa logo mừng Kim Khánh Linh mục của Đức Tổng Stêphanô.

Thật sự, giữa bầu khí trầm lắng thánh thiêng xen lẫn niềm vui rộn rã của mùa Giáng Sinh đang đồng hành cùng những ngày nắng ít mưa nhiều mà Năm Mới 2012 ban tặng, thì có lẽ, “Mẹ và Quê Hương”, chủ đề đêm hoan ca hôm nay của giáo phận Huế không khỏi phần nào gây ngạc nhiên cho Đức Hồng Y, cho Quý Đức Cha, cho toàn thể Quý quan khách. Bởi không chỉ Mẹ và Quê Hương, nhưng Mẹ còn là Quê Hương Quê Hương còn là Mẹ. Khi chọn chủ đề này, trước hết, những người làm chương trình không chỉ muốn sống lại tuổi thơ với những bài tập làm văn dễ nhất đầu đời; nhưng, với hơn sáu mươi phút vắn vỏi của đêm hạnh ngộ, lòng của những người con những muốn trào tràn bao tâm tình biết ơn và yêu mến dâng lên Thiên Chúa, Đấng đã chọn quê hương trần gian cho Con Một Ngài ra đời, để cứu lấy cả một nhân loại trong đó và nuôi sống nó bằng ân huệ Thánh Thần.


Một điều đáng chú ý trong đêm hoan ca này chính là hình tròn trên logo tượng trưng cho địa cầu được ấp ủ dưới cánh chim câu. Đây cũng là những tâm ý mà con cái TGP Huế muốn dâng lên Mẹ Hội Thánh, Mẹ Giáo Phận với hình ảnh con thuyền vẫn cỡi triều sải cánh cùng Mẹ ra khơi bất chấp bao sóng cả sóng cồn.

Bên cạnh đó, những người con cũng muốn dâng lên những cảm thức tự hào đối với Đất Mẹ Việt Nam gấm vóc; dâng lên mẹ của mỗi người, đôi khi, đó chính là hình ảnh của một bà mẹ chân quê…; và gần gũi hơn, dâng lên Đức Tổng kính yêu của Giáo phận nhà, một người cha có trái tim “rất mẹ” nhân dịp mừng Kim Khánh Linh Mục với con số 50 biểu trưng cùng khẩu hiệu cho trần gian được sống của ngài dưới sao lạ Bêlem của ngày Hiển Linh, mồng 6 tháng giêng năm 1962 khi ngài được truyền chức Linh mục tại Đền Thờ Đức Mẹ La Vang.

Và rồi, đêm Mẹ và Quê Hương được bắt đầu với Câu Chuyện Dòng Sông; nhưng thay vì Câu Chuyện Dòng Sông, người ta lại muốn nói ở đây là Dòng Sông Kể Chuyện mình, sông kể chuyện Mẹ, sông kể chuyện Cha, kể chuyện Huế, kể chuyện Quê Hương và nhất là sông kể những câu chuyện về tình đời trong cõi trần gian....Câu Chuyện Dòng Sông cũng là câu chuyện về lòng biết ơn của những người con đối với người Mẹ Giáo Phận, một người mẹ đã âm thầm hy sinh cho đoàn con được sống và sống dồi dào.

Với ý tưởng đó, tên tác phẩm Dòng Sông Xanh bất hủ, dòng sông của thành Budapest xứ sở Hungary của tác giả Johann Strauss đã được quý chị em Hội Dòng Mến Thánh Giá thể hiện một cách đầy tính nghệ thuật và sáng tạo, mang lại cho người xem cái cảm giác như được trở về lại tuổi thơ của mình, tắm mát dưới dòng sông quê hương nước xanh biếc.

Bầu khí đêm hoan ca trở nên trang trọng hơn khi hai MC giới thiệu những vị khách quý hôm nay. Trước hết là Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Đức Tổng Têphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế, Đức Cha Phao lô Nguyễn Văn Hoà, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đến từ Nha Trang, đã có câu nói khá nổi tiếng “người Huế sinh ra để hát và múa”.

Tiếp đến là Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đến từ Giáo Phận Bắc Ninh.

Và đến từ Sở Kiện, nơi khai mạc Năm Thánh 2010 tưng bừng, đỏ cả một trời Bắc, có Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến.

Đến từ Giáo phận Vinh, có Đức Cha già Phaolô Cao Đình Thuyên, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp.

Đến từ Giáo Phận Mỹ Tho sông nước, nhộn nhịp thuyền bè, có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc.

Đến từ Giáo Phận Quy Nhơn, quê hương của Thầy Giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam cũng là nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử yên nghỉ, có Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn và Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi.

Đến từ Giáo Phận Phan Thiết với bãi biển Mũi Né xanh biếc, có Đức cha Giuse Vũ Duy Thống.

Đến từ Giáo Phận Hải Phòng, thành phố hoa phượng đỏ, có Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên.

Đến từ Giáo Phận Kontum với nhiều buôn làng truyền giáo của những anh em Tây Nguyên đại ngàn, có Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh.

Đến từ Giáo Phận Đà Lạt, một giáo phận của ngàn hoa muôn sắc, có Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương.

Đến từ Giáo Phận Buôn Mê Thuột, cà phê bạt ngàn, có Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản.

Đến từ Giáo Phận có thành phố biển Nha Trang, có Đức Cha Giuse Võ Đức Minh.

Đến từ Giáo Phận Thái Bình, quê lúa, quê chèo, có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ.

Đến từ Giáo Phận Đà Nẵng, có Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri.

Đến từ Giáo Phận Lạng Sơn Cao Bằng, tuyến đầu xa xôi nhất của đất nước, với trên 600 km đường biên giới, giáp với Trung Quốc, có Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân.

Đến từ Giáo Phận Phát Diệm với di sản kiến trúc quốc gia là quần thể Nhà Thờ Đá nổi tiếng, có Đức Cha Giuse Nguyễn Năng.

Đến từ Giáo Phận Hưng Hóa, một giáo phận rộng nhất trong 26 giáo phận với diện tích hơn 54.300 km2, có Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất.

Ngoài các vị Giám Mục Việt Nam, TGP Huế hân hoan chào đón Đức Cha Benoit Rivière, Giám Mục Giáo Phận Autun nước Pháp cùng với một nhóm Anh Chị em giáo dân của ngài hiện diện trong đêm Mẹ và Quê Hương này.

Ngoài ra, cùng hiện diện trong đêm Mẹ và Quê Hương hôm nay, còn có Quý ân nhân và thân nhân của Giáo Phận, của Mẹ La Vang, của Đức Tổng; Quý văn nghệ sĩ, Quý bạn bè, trong đó, có nhiều người đến từ xa thật xa. Tất cả đang có mặt với toàn thể cộng đoàn dân Chúa Giáo Phận nhà.

Với sự hiện diện của Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Uỷ Ban Nghệ thuật Thánh, toàn thể cộng đoàn đã được xem slideshow về dự án Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang sẽ được khởi công xây dựng trong thời gian sắp tới đây.

Tiếp tục chương trình, cộng đoàn cùng hoà niềm cảm xúc với hợp xướng “Ra Đời”, một trong những tác phẩm bất hủ của Nhạc sĩ Hải Linh, thơ của Hàn Mặc Tử, được trình bày bởi Ca Đoàn Tổng Hợp, dưới sự điều khiển của Ca Trưởng Đỗ Trinh Huệ.

Và câu chuyện tiếp theo của dòng sông, là câu chuyện của một người con bé bỏng xứ Huế. Ngày kia, em vội vã kéo mẹ xuống cho ngang tầm mình, ghé vào bên tai, thỏ thẻ. Tưởng có chuyện gì quan trọng hãi hùng lắm; thế nhưng, em chỉ nói thật nhỏ, đủ cho mẹ nghe: rằng, mẹ ơi con yêu mẹ!

Đó cũng là tâm tình yêu mến của những người con dâng lên Đức Tổng Giám Mục kính yêu, một người cha rất giàu lòng từ mẫu, một người mẹ “rất Huế" của Giáo Phận. Cả cộng đoàn cùng hiệp thông với quý chị em Cộng Đoàn Con Đức Mẹ Vô Nhiễm qua nhạc phẩm Yêu Huế Như Yêu Mẹ của Nhạc sĩ Ngọc Linh.

“Ngài Phải Lớn Lên”, là tác phẩm của Nhạc sĩ Thế Thông, cũng là ước nguyện của Đức Tổng khi ngài xin được làm vầng trăng lặng lẽ. Phải chăng đó cũng là nguyện ước mỗi người chúng ta cầu chúc cho nhau, được thể hiện qua giọng hát của Vân Thành và Ca sĩ Thuỳ Dương, hình ảnh của Gioan Tẩy Giả, đến từ em nhỏ trường Mầm Non Hoa Tigôn và những biểu cảm của Ca Đoàn Ave Maria.

Câu chuyện thứ năm dòng sông kể là câu chuyện thiên thần. Đó là một thiên thần mà ngay từ khi con trong dạ mẹ, mắt đã mở tròn xoe, môi hằng mấp máy, khi nghe những câu kinh, câu ca khi thì thánh thót, khi thì dặt dìu… những lời kinh tiếng hát của mẹ, của cha, khi ngày ngày em theo cha mẹ đến nhà thờ; và cách riêng hằng tuần được cùng mẹ đi tập hát. Ngày thiên thần chào đời, ôi, hạnh phúc nhường bao, tiếng khóc chào đời của em cũng chính là bài thánh ca đầu tiên em dâng lên Đấng đã cho em vào đời, cho em nhìn thấy mặt trời.

Giờ đây, thiên thần nhỏ ấy đã vào Trường Mầm Non Tigôn, giáo xứ Phú Lương; ở đó, dù hoàn cảnh không mấy thuận lợi, em cũng nỗ lực lập nên một ca đoàn lấy tên là Ca Đoàn Thiên Thần mà các ca viên hoàn toàn là các bạn ngoài công giáo. Hang Bê lem, một nhạc phẩm đầu tay của cố nhạc sĩ Hải Linh sẽ được trình bày dưới sự chỉ huy của ca trưởng nhí Thuỳ Dương - thiên thần nhỏ, thật hồn nhiên, ngây thơ, khiến cả cộng đoàn ngập tràn trong tiếng cười đầy yêu thương, trìu mến.

Hiện lên trong mắt mỗi người là “Bức hoạ đồng quê ngày mùa”, một hình ảnh sinh động và thật gần gũi với mỗi chúng ta. Với tâm tình đó, trong ngày mừng lễ Hiển Linh, lễ Chúa tỏ mình cho dân ngoại, hình ảnh này còn hướng chúng ta tới một ngày mùa khác, một ngày mùa mang tính cứu rỗi. Đó là ngày mùa của Mẹ Hội Thánh, của Mẹ Giáo Phận…khi mọi thành phần dân Chúa đang cùng ra sức; trong đó, kẻ gieo, người gặt hạt giống Lời Chúa trên khắp mọi miền đất nước. Và trên mảnh đất Huế thân yêu hôm nay, Cộng Đoàn cùng vui Ngày Mùa với Quý Chị em Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng qua 2 nhạc phẩm của Nhạc sĩ Văn Phụng và Lê Đức Hùng.

Câu chuyện lãng mạn dòng sông sắp kể, là chuyện tình của Đức Tổng, cũng là chuyện tình của mỗi người chúng ta do các em Cộng Đoàn Thánh Phaolô thể hiện. Tặng Phẩm của Người Tình, một trong những tiểu phẩm của đại thi hào Ấn Độ, Rabindranath Tagore, cũng là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương vào năm 1913.

Rồi dòng sông lại tiếp tục kể chuyện. Đó là câu chuyện về một người cha muốn mua cho con trai mình một con ngựa gỗ. Nhưng hoàn cảnh không cho phép, ông đã tự tìm kiếm những gì có sẵn, đóng cho con mình món đồ chơi cậu bé hằng mơ ước. Rủi thay, chiếc búa vô tình đã khiến ngón tay ông tím thẩm với vết sẹo yêu thương không bao giờ phai.

“Tình Cha”, một nhạc phẩm của Phạm Trung, là tâm tình của gia đình Đại Chủng Viện Huế dâng lên Đức Tổng kính yêu. Tiết mục được thể hiện với 50 đại chủng sinh, cùng với 50 đóa hoa hồng, tượng trưng cho 50 năm hồng ân Linh mục.

Hết kể chuyện mình, chuyện mẹ, chuyện cha, chuyện quê hương... dòng sông lại kể chuyện Huế.

Nói đến Huế là nói đến sông Hương núi Ngự, nói đến Huế là nói đến lăng tẩm chùa chiền; nhưng sẽ thật thiếu sót, một khi bỏ qua những giá trị phi vật thể mang tính nhân văn như các loại hình nghệ thuật của chốn Thần Kinh. Một trong những giá trị tinh thần ấy, chính là âm nhạc truyền thống Huế với nhạc Cung Đình và Nhạc Dân Gian.

Riêng Hầu Văn, một loại hình âm nhạc mang tính tín ngưỡng rất được yêu thích bởi những lưu khách đã một lần ghé thăm xứ mộng mơ. Cả cộng đoàn hôm nay cùng hoà nhập với làn điệu dễ thương qua tiếng hát của Ca sĩ Hương Nhu và nhóm Nghệ Nhân Trẻ.

Và câu chuyện cuối cùng dòng sông kể trong đêm nay là câu chuyện về một chuyến đò trên sông.

Nếu chỉ với một Chuyến Đò Ngang mà thi sĩ Hàn Mặc Tử đã nặng nghĩa cả một ngày như thế, thì với những Chuyến Đò Dọc, trên đó, Quý Ân Sư đã phải tay chèo, tay tát, đưa các thế hệ trai trẻ đầu tiên đến với thiên chức Linh mục…thì nợ ân tình phải nặng biết bao.

Hợp xướng Chuyến Đò Dọc, ra đời năm 1958 tại Đại Chủng Viện Sài Gòn, nhạc của Minh Tiến, tức linh mục Đỗ Bá Công; lời của Thế Như, tức Đức Tổng kính yêu của TGP Huế; hoà âm của Thế Thông và phối khí của Hồ Đắc Quốc, tất cả cùng hiện diện trong Hội trường này…Tác phẩm đã được các em Ca Đoàn Ave Maria biểu diễn như một quà tặng dâng lên Đức Tổng nhân dịp Kim Khánh Linh mục của ngài dưới sự điều khiển của Ca Trưởng Thanh Thuý, phần nhạc đệm của nhóm Nghệ Nhân Trẻ cùng Quý Chị em Hội Dòng Mến Thánh Giá và Mẹ Vô Nhiễm qua diễn xuất của các em Mầm Rất Non Tigôn đến từ Giáo xứ Phú Lương. Đó là một dòng sông đầy hoa, trên đó có chuyến đò dọc với dáng dấp của năm chiếc bánh và hai con cá, tượng trưng cho Phép Thánh Thể. Đó cũng là huy hiệu và khẩu hiệu của Đức Tổng khi ngài muốn đến cho trần gian được sống và sống dồi dào.

Cuối cùng, Cha Đaminh Minh Anh đã thay mặt Ban tổ chức đọc lời cám ơn và mời cộng đoàn cùng cầm nến cháy sáng trên tay và cất cao bài ca Hãy Vùng Đứng để hoà chung niềm vui của toàn thể Hội Thánh trong ngày lễ Hiển Linh; cách riêng với Đức Tổng Giám mục kính yêu trong dịp mừng Kim Khánh Linh Mục của ngài.

Sau khi kết thúc chương trình hoan ca Mẹ và Quê Hương, quý vị quan khách cùng thưởng thức buổi chợ đêm với các Hội Quán và Cà phê Vườn tại khuôn viên Trung tâm Mục Vụ TGP Huế.

II. HỘI QUÁN VÀ CÀ PHÊ VƯỜN:

Khi cả thành phố Huế đang đi dần vào khoảng lặng của màn đêm thì một không gian đủ ấm cúng và cũng rất thơ để diễn ra buổi Chợ Đêm Huế.

Hồi trống khai chợ, những gánh hàng vội vã gánh về họp chợ…

Tại không gian vườn Nhà Trung tâm Mục vụ Huế, các cổng chào tuy đơn sơ, nhưng mang nhiều ý nghĩa của các Dòng tu, các bạn trẻ sinh viên công giáo, các giáo dân...đã mang đậm tính nghệ thuật, dân dã và để phục vụ.

Ai có ngờ rằng một phiên chợ nhỏ bé thôi, nhưng thân tình, đầy ắp mến thương…người mua, người bán thật đông vui, nhộn nhịp, đến nỗi khách mua chen chân không lọt, những món ăn thật bình dân, giản dị nhưng đã làm cho khoảng cách giữa con người với con người trở nên gần gũi và đượm tình thân hơn.

Đèn điện rực rỡ, lấp lánh từ các gian hàng…khách vãn chợ hôm nay thật đặc biệt, toàn là các bậc đáng kính, các bề trên, quý vị khách quý về tham dự Đại Lễ mừng Kinh khánh Linh Mục của Đức Tổng Têphanô

Tôi không biết nói gì để có thể diễn tả niềm vui chân tình, sự thanh thản, bình an dưới trời đêm nay; người mua, kẻ bán, đều quen nhau, muốn trao tặng nhau những giây phút thoải mái bên tô phở nóng, bên ly chè ngọt đặc trưng Huế, bên dĩa sò cay cay, thơm phức mùi sả, bên các loại bánh đặc sản Huế, bên bếp lửa thơm lựng mùi khoai nướng, bên cốc cà phê thoang thoảng hương vị của núi rừng cao nguyên…

Tất cả đều muốn “yêu thương và phục vụ”, cho nhau thật nhiều niềm vui, nụ cười. Trong khi đó, tại “sân khấu” trung tâm, tiếng hát của những “ca sĩ” tình nguyện, lên cầm micrô cất tiếng hát, tiếng hát tạ ơn, tiếng hát ngọt ngào trầm ấm ca khen tình Chúa, chúc mừng Đức Tổng Têphanô, trao tặng khách vãn chợ…

Đêm Huế hôm nay, có chỗ để khách gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, hay Hát cho nhau ng dưới không khí dịu mát của một đêm trời đang dần vào Xuân…một khung trời đầy ắp tiếng cười và sự thân ái không dễ gì có được!

Ai về Huế mà không vãn chợ. Dẫu là chợ Quê. Mái tranh, chõng tre, cái ghế mộc mạc, hương vị đồng quê và vẻ đẹp hồn nhiên của các cô chú bán hàng…

Hơn nữa, ở đây, một không gian Huế, một Đêm Huế trong tình thân ái thật khó quên!

Một cuộc hội ngộ hy hữu của những người con về chúc mừng Cha, hân hoan bên Cha, hiệp nhất bên Cha…người trong nước tự ba miền, người về từ hải ngoại, bậc lão thành bên vị thành niên, mọi người không phân biệt tôn giáo. Dịp lễ mừng Kinh khánh Linh mục của Đức Tổng Giám Mục Stêphanô dường như đã có mãnh lực quy tụ hàng Giáo sĩ sống mầu nhiệm hiệp thông, sứ vụ trong tình huynh đệ, tình yêu thương và tình bạn.

Tôi không thể không ghi lên đây tâm tình của một vị Linh mục trẻ giáo phận bạn, ngài đã chia sẻ “chưa bao giờ Cha được dự một đêm chợ quê như thế này!”.

Trong đêm chợ quê này, mọi người đều nhận thấy thời tiết thật đẹp, khác với những ngày trước đó, trời mưa lạnh buốt, khiến người ta cũng ngại đi ra ngoài...Thế nhưng phiên chợ đêm nay đã thu hút biết bao bước chân của khách tứ phương, mang lại niềm vui ngập tràn hạnh phúc và hơi ấm cho những người con của Giáo phận Huế thân yêu này.

Maria Thủy Tiên

NGUỒN: tonggiaophanhue.net

Thông tin khác:
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Chuẩn xứ Sử Pán - Sapa ngày Chầu Lượt lần đầu tiên
Chuẩn xứ Sử Pán - Sapa ngày Chầu Lượt lần đầu tiên
Trong tâm tình háo hức đợi chờ ngày được làm một việc mà bấy lâu mình toàn "đi ké" người ta, thì hôm nay, ngày 07.04.2024, Chúa Nhật II Phục sinh - Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, Chuẩn xứ Sử pán - Sapa đã có được ngày hồng ân đặc biệt này, ngày Chầu Lượt thay mặt giáo phận.
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log