Thứ năm, 28/03/2024

NGÀY 24-11: LỄ KÍNH THÁNH ANRÊ DŨNG-LẠC VÀ CÁC BẠN TỬ-ĐẠO VIỆT-NAM

Cập nhật lúc 12:05 25/11/2012
I. Ngày 1 tháng 6: Thánh Giuse TÚC, Giáo dân (1843-1862)

1/ Vì Sao Lấp Lánh

Sử liệu về thánh Giuse Túc có sự khác biệt nhau khá xa về số tuổi tác của ngài khi bị bắt và tử đạo. Một số sử liệu ghi rằng: Khi bị bắt và tử đạo, cậu Giuse Túc chỉ mới 9 tuổi. Sử liệu khác lại cho là 19 hoặc 21 tuổi. Tuy nhiên khi xem xét kỹ các chi tiết về việc bắt bớ, tù đày và xử án thánh nhân, chúng tôi nghĩ rằng dù dã man, các quan cũng không thể xử quá tàn bạo như thế với một cậu bé mới 9 tuổi đầu. Việc tra tấn hành hạ của các quan phải dành cho một thanh niên đã khôn lớn, hơn là cho một em nhỏ còn thơ dại.
(Theo ASS, văn bản tuyên thánh của Đức Piô XII cho biết: Thánh Giuse Túc ở tuổi hoa niên. Còn đây chúng tôi theo tài liệu ”Venticinque martiri nelle Missioni Domenicane del Tonchino”, Roma 1950, trang 153 ghi thánh nhân 19 tuổi).

Vâng, giữa tuổi thanh niên, tuổi của những ước mơ và hy vọng, tuổi của hăng say và nhiệt thành. Tuổi mà sự chăm sóc và dưỡng dục đòi hỏi biết bao công phu đang chín dần, để trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Với cái tuổi thanh xuân đáng quý ấy, Giuse Túc đã chiếu sáng như một vì sao.

Giuse Túc sinh năm 1843 tại họ đạo Hoàng Xá, xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên (nay là Hải Hưng). Cha là Giuse Cân và mẹ là bà Trì. Trong cái nôi của gia đình nông dân đạo đức ấy, cậu Giuse Túc đã sinh ra và lớn lên với cuộc sống cần cù, hiền hòa như hầu hết mọi thanh niên Việt Nam ngày ngày miệt mài với ruộng nương. Nhưng thân phụ cậu không muốn cậu tiếp tục với công việc ruộng nương này, đã khuyến khích và lo liệu cho cậu theo đuổi nghiệp khoa cử. Cậu Túc vâng lời thân phụ chăm chỉ học chữ Nôm.

Nhưng cuộc bách hại đạo dai dẳng của Vua Tự Đức ngày càng khốc liệt hơn. Vì với chiếu chỉ Phân Sáp ngày 5-8-1861 thì không một người nào, không một căn nhà nào của người công giáo được bằng yên. Biết bao người dân hiền hòa vô tội bị đọa đày, bị tàn sát và bị ghép cho những tội trạng mà họ không bao giờ biết đến.

2/ Gian Truân Thử Đức

Anh Giuse Túc bị bắt vào đầu năm 1862 khi đang ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp: tuổi 19. Anh bị giam ít ngày ở huyện rồi bị giải về tỉnh. Sau đó, anh bị biệt giam bốn tháng tại Đông Khê, phủ Khoái Châu. Ban ngày phải mang gông nặng, ban đêm chân bị cùm xích. Dù vậy anh Túc vẫn trung kiên với đức tin chân chính. Nhiều bạn bè cùng bị giam với anh như Phêrô Kiên (18 tuổi), Phêrô Ngân (15 tuổi), Phêrô Lương (20 tuổi) cũng được kể vào sổ tôi tớ Chúa đang được chuẩn bị suy tôn chân phước. Các anh thường gặp nhau đọc kinh chung và an ủi khích lệ nhau can đảm đến cùng.
(M. Gispert, Summarium Servorum Dei, khu vực dòng Đaminh, Roma 1928, trang 514).

Một số thân hữu lo lót quân lính để tạo cơ hội cho anh trốn khỏi ngục, nhưng anh nói:
- Tôi sẽ không trốn bất cứ cách nào, vì nếu tôi trốn sẽ làm khổ người khác. Chúa muốn thế nào, tôi xin nhận như thế.

Khi một bạn tù tỏ vẻ lo âu không biết khi nào bị xử, người nhà có được tin để lãnh xác hay không, anh Túc bình thản bày tỏ tâm trạng của mình:
- Tôi an tâm, không lo lắng gì cả. Nếu Thiên Chúa cho tôi đổ máu vì đạo, tôi tin chắc sẽ được về trời. Còn thân xác này chôn được thì chôn, bằng không chôn được thì thôi.

Theo lá thư đề ngày 2-8-1862, Cha Estevez Nam cho chúng ta biết tình hình ở Hưng Yên:

- Trong tỉnh Hưng Yên, các quan còn dữ tợn hơn. Cuối tháng 5 rất nhiều giáo hữu bị dẫn lên tỉnh. Ngày 1-6, các quan giết 100 người, hôm sau giết 600 người, ngày mùng 3 giết nhiều hơn nữa. Các làng ngoại giáo được lệnh giết hết các tù nhân có đạo, và họ đã triệt để thi hành, nên tôi không biết được con số phải chết trong kỳ này.
(M. Gisbert, Historia des las Misiones Dominicas en Tonkin, Avila 1928, trang 510-512)

Cuối tháng 5 năm 1862, anh Túc bị giải về Hưng Yên. Sau những lời dụ dỗ, dọa nạt và tra khảo nhiều lần không làm lay chuyển được lòng tin sắt đá của anh, các quan nhất trí kết án trảm quyết anh.

Khi lập án phong thánh cho anh Giuse Túc, một số giáo dân hiện diện trong cuộc tử đạo đã làm chứng. Trong đó ông Đaminh Hưng kể lại rằng: ”Tôi đi theo cậu Túc ra tới pháp trường. Cậu sốt sắng cầu nguyện và luôn kêu tên Cực Thánh Chúa Giêsu. Sau khi cậu bị xử chém đầu, tôi đã mai táng thi thể cậu rất tử tế”. Bà Maria Linh kể lại bà đã nhìn thấy đầu của vị tôi tớ Chúa bị quân lính tung lên cao cho quan thấy, để minh chứng với quan là họ đã triệt để thi hành mệnh lệnh. Hôm đó là ngày 1-6-1862. Thi hài anh Giuse Túc, người chiến sĩ đức tin được chôn tại chỗ, sau được cải táng và đem về nhà thờ xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên.

Ngày 29-4-1951, Đức Thánh Cha Pio XII (1939-1958) suy tôn anh Giuse Túc lên bậc Chân Phước.

Chúa Nhật 19-6-1988, trong bối cảnh Năm Thánh Mẫu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) đã long trọng nâng chân phước Giuse Túc và 116 Bạn Tử-Đạo Việt-Nam lên hàng hiển thánh. Thánh Lễ diễn ra tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong sách nhỏ - phân phát vào dip này - ghi như sau:

LỄ TRỌNG
Do Đức Thánh Cha GIOAN PHAOLÔ II
chủ sự để tôn phong lên bậc Hiển-Thánh
Các Chân Phước
ANRÊ DŨNG-LẠC, Linh-mục
TÔMA THIỆN và EMMANUELE PHỤNG,
Giáo-dân
GIRÔLAMÔ HERMOSILLA
và VALENTINÔ BERRIÔ-OCHOA,
hai Giám-mục OP
và 6 Giám-mục khác
TÊÔPHAN VÉNARD,
Linh-mục Hội Thừa-sai Paris
và 105 Bạn Tử-Đạo Việt-Nam

Quảng-trường Thánh Phêrô, Vaticanô
19-6-1988

II. GIÁO HỘI VIỆT-NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI

Công cuộc rao giảng Tin Mừng, khởi sự vào đầu thế kỷ thứ 16 tại hai địa phận đầu tiên ở miền Bắc (Đàng Ngoài) và miền Nam (Đàng Trong) được thiết lập vào năm 1659, qua các thế kỷ, đã biểu lộ sức phát triển lạ lùng, nhờ đó ngày nay có được 26 địa phận (10 ở miền Bắc và 15 ở miền Nam). Hàng Giáo Phẩm đã được thành lập (ngày 24 tháng 11 năm 1960), và trong toàn lãnh thổ Việt-Nam hiện nay có tới 6 triệu người Công Giáo.

Kết quả này có được là nhờ hạt giống đức tin, ngay từ những năm đầu tiên, đã hòa trộn với máu đào lai láng của các vị tử đạo đổ xuống trên mảnh đất Việt-Nam, của các giáo sĩ ngoại quốc, giáo sĩ bản xứ và của giáo dân Việt-Nam. Tất cả đã cùng chấp nhận những lao nhọc do việc tông đồ, đồng thời đã cùng sát cánh đương đầu với cái chết để làm chứng cho chân lý Phúc Âm. Lịch sử Giáo hội Việt-Nam đã ghi nhận 53 sắc lệnh do các Chúa Trịnh và Nguyễn, hay do các Vua hạ bút ký, trong hơn hai thế kỷ, và suốt 261 năm (1625-1886), ra chỉ thị chống lại người Kitô giáo bằng những cuộc bách hại gắt gao cứ mỗi lần thêm dữ dội. Có tới khoảng 130.000 người đã ngã gục khắp nơi trong lãnh thổ Việt-Nam.

Người ta có thể nói rằng trong các thế kỷ trước đây những vị chết vì Đức tin này đã bị chôn vùi một cách lặng lẻ như là cùng nằm trong một ”Ngôi mộ của chiến sĩ vô danh”; tuy nhiên niềm thương nhớ các Ngài vẫn còn sống động trong lòng người Việt-Nam.

Từ đầu thế kỷ 20, có 117 vị trong số các anh hùng trên đây, là những người được coi là đã chịu đựng các thử thách lớn lao hơn, đã được chọn và được Tòa Thánh tôn lên bậc Chân Phước:

- Năm 1900 thời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII: 64 vị
- Năm 1906 thời thánh Giáo Hoàng Piô X: 8 vị
- Năm 1909 thời thánh Giáo Hoàng Piô X: 20 vị
- Năm 1951 thời Đức Giáo Hoàng Piô XII: 25 vị

Các vị này được xếp theo các quốc gia như sau:

* 11 vị người Tây-Ban-Nha: tất cả thuộc dòng thánh Đaminh. Gồm 6 giám mục và 5 linh mục.
* 10 vị người Pháp: tất cả thuộc Hội Thừa Sai Paris. Gồm 2 Giám Mục và 8 linh mục.
* 96 vị là người Việt-Nam: Gồm 36 linh mục (trong số đó có 11 linh mục dòng thánh Đaminh), và 59 tín hữu (trong đó có một chủng sinh, 16 thầy giảng và một phụ nữ).

Các vị này là ”những người đến từ cơn thử thách lớn lao: họ đã giặt áo của họ và giủ sạch trong trắng trong máu Con Chiên” (Khải Huyền 7,13-14). Cuộc tử đạo của các Ngài được xếp theo niên biểu sau đây:

- 2 vị tử đạo dưới thời Chúa Trịnh-Doanh (1740-1767)
- 2 vị tử đạo dưới thời Chúa Trịnh-Sâm (1767-1782)
- 2 vị tử đạo dưới thời Vua Cảnh-Thịnh (1792-1802)
- 58 vị tử đạo dưới thời Vua Minh-Mạng (1820-1840)
- 3 vị tử đạo dưới thời vua Thiệu-Trị (1840-1847)
- 50 vị tử đạo dưới thời Vua Tự-Đức (1847-1883).

Tại pháp trường án lệnh của nhà vua đặt bên mỗi vị, có ghi rõ hình thức mỗi bản án như sau:

* 75 vị bị xử chém đầu;
* 22 vị bị xử bằng thừng thắt cổ;
* 6 vị bị thiêu sống;
* 5 vị bị phân thây từng mảnh;
* 9 vị bị tra tấn và chết rũ tù.

III. KINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Lạy Chúa là CHA Chí Nhân,
chúng con hân hoan ghi nhớ các ân huệ
Chúa đã ban cho dân tộc Việt Nam.

Nhờ lời rao giảng của Giáo Hội
Cha Ông chúng con đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi.
Các Ngài đã vững tin vào Chúa,
là Đấng tạo thành trời đất,
và Chúa Kitô Đấng Cứu Thế được sai đến trần gian.

Trong cơn gian lao thử thách,
Chúa đã ban cho Các Ngài sức mạnh của Thánh Linh
để Các Ngài can đảm tuyên xưng Đức Tin,
và hiên ngang hy sinh mạng sống,
để làm vinh quang Thập Giá Chúa Kitô.

Các Thánh Tử Đạo là ân huệ
Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam.
Vì thế chúng con dâng lời cảm tạ và ca tụng Chúa,
hợp với cuộc hy sinh tử đạo
của các tiền nhân anh dũng chúng con.

Xin dâng lên Chúa lời cảm tạ,
để biểu lộ tình con thảo với Chúa là CHA,
bằng chứng từ đức tin sống động của chúng con.

Vì công nghiệp của Các Thánh Tử Đạo
xin ban cho dân Việt Nam chúng con,
được an vui và thịnh vượng,
cho mọi người đón nhận Tin Mừng cứu rỗi,
và bước theo con đường chân lý.

Xin cho Giáo Hội Việt Nam,
được sống trong hòa thuận và hiệp nhất,
luôn thông hảo trọn vẹn với Đấng kế vị Thánh Phêrô,
và hăng say lo việc tông đồ,
nhiệt thành rao giảng Đức Kitô cho mọi người.

Xin cho chúng con
được trung thành với Chúa ở trần gian
để ngày sau về hưởng vinh quang bất diệt
cùng Các Thánh Tử Đạo chúng con ở trên trời. Amen.


(THIÊN HÙNG SỬ 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam (Uống Nước Nhớ Nguồn), Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, San Jose, California, Hoa Kỳ, Tái bản lần thứ nhất: Xuân Tân Mùi 1991, trang 145-147 /// Domenica 19 Giugno 1988 - Piazza San Pietro, Anno Mariano, Tipografia Poliglotta Vaticana, trang 106-110).

Nguồn: Vietcatholic New

Giáo xứ Sa Pa
Thông tin khác:
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log