Thứ tư, 27/03/2024

Câu chuyện giáo dục: Sợ, không sợ

Cập nhật lúc 16:24 17/09/2012

Ngày xưa khi còn học tiểu học, tôi sợ rất nhiều thứ. Sợ làm bẩn tập vở, quần áo; sợ vào lớp bị quở phạt vì không làm bài hay không thuộc bài; sợ thầy cô, cha mẹ buồn phiền hay thất vọng vì thành tích kém trong học tập; sợ gây gổ làm mất lòng bạn bè; sợ ăn mặc lố lăng khiến người khác cười chê... và sợ rất nhiều thứ khác nữa. Thầy tôi rất nghiêm khắc. Thỉnh thoảng những đứa học trò của thầy còn bị khẻ tay đau điếng. Chỉ thế thôi nhưng cũng đủ để những đứa trẻ ham chơi, chưa có ý thức như chúng tôi phải nhớ mãi. Lớn lên, rồi đi dạy, tôi nhận ra rằng trong đời người còn - cần và buộc - phải sợ nhiều thứ khác nữa.

Người ta thường làm “đình đám” với những sai lầm ở đâu đó của một vài thầy cô, nhưng lại ít khi nói đến những cay đắng mà các nhà giáo phải hằng ngày chịu đựng khi đứng trên bục giảng...

Chẳng phải vì sợ mất nước, sợ sống trong nô lệ, sợ bị đè đầu cưỡi cổ mà dân tộc ta đã bao lần đứng lên kháng chiến giành độc lập tự do đó sao? Chẳng phải vì sợ đói nghèo, cực khổ mà bao nhiêu con người đã và đang miệt mài học tập, cần cù lao động để mong có được một cuộc sống tốt đẹp đó sao?

Rồi vì sợ tù tội mà mọi công dân đều tuân thủ những quy định pháp luật, vì sợ chết do tai nạn giao thông mà mọi người ra đường đều đội mũ bảo hiểm và tôn trọng luật đi đường... Tóm lại, chúng ta làm hay không làm một việc nào đó có thể vì chúng ta sợ...

Là một giáo viên, tôi nhận ra một thực tế đáng buồn: một số ít học sinh và thanh thiếu niên ngày nay không biết sợ là gì cả. Vào lớp, có em không chép bài, không làm bài, vô tư nói chuyện và chọc phá bạn bè mà chẳng sợ ai cả. Giáo viên chỉ còn biết dịu dàng nhắc nhở, nếu không được thì báo lên ban giám hiệu rồi gửi thư báo về cho gia đình để mong sự hợp tác của phụ huynh. Xem ra cách làm cuối cùng này cũng không đem lại mấy kết quả...

Không được dùng nhục hình, không được dùng lời lẽ xúc phạm nhân phẩm học sinh bởi đó là phạm pháp, là làm sai những nguyên tắc sư phạm. Một số gia đình học sinh chẳng những không hợp tác với nhà trường mà ngược lại còn làm chỗ dựa, làm “hậu phương” vững chắc để các em có chỗ bám víu rồi xem thường thầy cô và nhà trường. Không ít lần tôi đã đau lòng chứng kiến một số phụ huynh học sinh dẫn con em mình vào trường, nói những lời lẽ khó nghe với thầy cô và ban giám hiệu trước mặt nhiều học sinh khác.

Người ta thường làm “đình đám” với những sai lầm ở đâu đó của một vài thầy cô, nhưng lại ít khi nói đến những cay đắng mà các nhà giáo phải hằng ngày chịu đựng khi đứng trên bục giảng.

Một số học sinh không vào lớp mà la cà ở những tiệm game online nhưng vẫn lĩnh tiền đi học mỗi ngày. Ra đường, các em chạy xe hàng ba, hàng tư mà chẳng hề bị phạt. Các em luôn có “chỗ dựa” vững chắc khi đến trường, bởi vì lẫn lộn trong tập vở đã có sẵn... một con dao xếp!

Để học được một điều gì đó có khi phải trả bằng một giá khá đắt. Các em học sinh của chúng ta chưa đủ khả năng nhận thức để biết được điều gì có thể và không thể làm, để biết được ngoài cái quyền các em còn có nghĩa vụ, để biết được những giới hạn mà một cá nhân không thể vượt qua khi sống chung với người khác... Những bài học đạo đức xem chừng quá khô khan và khó nhớ đối với các em. Dạy các em kỹ năng sống và dạy các em biết sợ những cái phải sợ là điều mà gia đình và nhà trường cần quan tâm bên cạnh những bài học làm người khác.

Có những trường hợp thầy cô bị hành hung chỉ vì đã nhắc nhở về hạnh kiểm và tác phong, hay đơn giản chỉ vì cho điểm kém với một học sinh. Đó không chỉ là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức mà mặt khác, phát xuất từ tâm lý không biết sợ mà ra.

Với một số bạn trẻ, đời đã mở ra trước mặt một lối đi thênh thang, che chắn hai bên đường là bóng râm của vô số luật lệ được vận dụng một cách ưu ái đến mức có thể gây ngộ nhận, đã tạo ra một thế hệ thanh thiếu niên mà trong từ điển của họ không có từ “sợ”.

Dù chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong “thế hệ tương lai của đất nước”, nhưng chẳng phải con số rất nhỏ ấy đang là nỗi nhức nhối của xã hội hay sao? Nên chăng, song song với những bài học về đạo đức, về quyền và bổn phận trẻ em, nên dạy các học sinh thân yêu của chúng ta biết sợ những điều cần phải sợ.

 

 

LÊ THUỶ LỆ (Đồng Tháp)

Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối tuần, ngày 13/12/2010

Thông tin khác:
Hãy tỏa sáng (17/09/2012)
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log