Thứ năm, 28/03/2024

SAY TRỜI THƯƠNG CŨ - Tùy bút của nhà văn Thanh Huệ khi thăm lại Hầu Thào - Sapa

Cập nhật lúc 11:06 29/10/2014
Say trời thương cũ 

Đêm hóa bướm mặc tình yêu sãi cánh
Xanh bao la không đủ nhốt hương đầy
Tim bẻ khóa thơ say trời thương cũ
Nhớ Hầu Thào ta lại vượt trời mây !


Đúng vậy. Tôi lại vượt trời mây một lần nữa. Lần trước vào năm 2010, nhờ Cha Bố tôi là Đức Antôn VHC, Giám Mục Giáo phận Đà Lạt cho ''ăn theo'' cất cánh từ sân bay Trà Nóc - Cần Thơ, viếng thăm Hà Nội, tiện đường công tác lên thẳng xứ sở sương mù của Cha Phêrô Phạm Thanh Bình - Cha sở giáo xứ Sapa - một xứ sở mà những tay săn ảnh Nghệ thuật có thể ''bán mạng'' về đây phục kích rình chụp cho được những bông tuyết rơi tuyệt đẹp.
Tôi không có điều kiện ''sống chết'' như họ đối với nơi mình yêu thích, và đã bỏ giấc mơ tái ngộ từ cái buổi chiều mưa ướt Hầu Thào mà Đức Antôn làm chủ tế, Cha Đôminicô Nguyễn Thành Tính - Cha khách cùng chuyến với tôi - và Cha Phêrô Bình đồng tế dâng Thánh lễ trong ngôi Nhà thờ gỗ nhỏ xíu, bàn Thánh không có một cánh hoa bèo ! Nhìn đám ông bà anh chị em người H'mông lem nhem bề ngoài, nhưng trong veo Đức tin, trong ''nước mắt cùng mặn, dòng máu cùng đỏ'' trong  Chúa Kitô,  lời khẩn cầu về một dự án của tôi càng tha thiết...
Sau Thánh lễ tôi lượm hai viên đá nhỏ màu xanh trên cái nền đất được nới rộng từ Nhà thờ cũ, để xây Nhà thờ mới, lén bỏ vào túi với nỗi niềm băn khoăn lo sợ công việc có thể quá sức người Cha trẻ Phêrô Phạm Thanh Bình, đang  chủ trì thực hiện... Nhưng gần 4 năm trôi qua tôi được dạy thêm một bài học ''Những gì thuộc về chân lý, những gì Chúa muốn làm thì cái giá dù phải trả bằng xương máu cũng hoàn tất được'' xá gì một sự chung tay góp sức.
Cú điện thoại bất ngờ của Cha Bình gọi hỏi tôi có bận gì không? Có đi dự Thánh lễ Khánh thành và Cung hiến Nhà thờ Hầu Thào đươc không?  y như tiếng nói của giấc mơ  làm tôi  chơi vơi... vừa kinh ngạc vừa bồi hồi...Làm sao tôi có thể ngờ được Cha đặc biệt chiếu cố tôi, dù trước đây Cha cũng từng  gửi những tấm hình ''meo'' trong  mùa tuyết rơi, làm tôi ngẩn ngơ trước cái đẹp của Sapa... và tuôn trào cảm xúc:


Đồng bằng tôi đem ấm áp Cần Thơ
Tặng trời bữa như quá tay đùa giỡn
Mang tuyết lạnh từ đâu về thật sớm
Rải Sapa một chút ấm không còn
 
Đường Phố người xe cây cối xanh non
Ngập tuyết trắng thương thầm cây Thánh giá
Thánh đường lạnh Chúa Hồng Ân cao cả
Gốc nhân gian gõ cửa gọi hồn thơ
 
Tung qua ''meo'' những bông tuyết bất ngờ
Đẹp Tổ Quốc lung linh trời lãng mạn
Trong tay Chúa Tình yêu càng đa dạng
Nhất quán đời lắp lánh một Nhân Danh
 
Chung chia nhau cuộc sống quá mong manh
Mặt đất đợi chiều nghiêng rơi lá đỏ
Thương Sapa bài thơ mùa tuyết đó
Mắt Công nương ôm chặt một phương tình
 
Lúc đó thật tình tôi không dám mơ gì cả. Nhưng  cú điện thoại hôm nay thật trăm phần trăm, và theo hướng dẫn của Cha bảo tôi mở máy vi tính, rút in cái vé máy bay của Vietjet Air khởi hành từ TP. HCM chuyến 14g20 chiều ngày 4/6/2014  và lượt về cất cánh từ Hà Nội vào lúc 10g30 đêm, ngày 9/6/2014. Ra tới Hà Nội ở đó chờ chuyến bay sau gặp đoàn cô Khấn khoảng 20 người, trong số đó có mấy Cha trẻ cùng đi dự Lễ khánh thành Nhà thờ Hầu Thào mà Cha gửi tôi cho đoàn ấy.
Không thể nào tả hết nỗi vui mừng được nhân đôi  trong đời tôi. Tôi thầm cảm tạ Chúa, cảm tạ Cha Bình, cảm tạ Nhà thơ Trương Nam Chi. Không biết có phải Chúa và mọi người đã thương một cuộc đời quá long đong của ''người đàn bà bán xăng đã trở thành Nhà văn'' không, mà khiến cho Trương Nam Chi còn giữ ấn tượng tốt về truyện ngắn ''Phù sa trên tóc bạch kim'' - truyện ngắn đoạt giải, đã đưa tôi vào làng văn -  từ lúc cô còn là Sinh viên cho tới bây giờ. Mấy mươi năm qua - khi đã là Nhà thơ của Hội Nhà văn Thành Phố Hồ Chí Minh rồi - có dịp về giao lưu với Hội Nhà văn Thành Phố Cần Thơ, ca hát vui chơi trên Chợ Nổi Phong Điền, Nam Chi khám phá ra tôi chính là tác giả của ''Phù sa trên tóc bạch kim'' cô  có những đối xử, khiến cho tôi bâng khuâng tự hỏi... sao lại có một người như vậy giữa cuộc đời đầy bon chen ích kỷ? Và xúc cảm âm thầm của tôi đêm đó như lời tự bạch.


Khoảng không nào kết tinh vầng mây trắng
Thăm địa đàng em làm cỏ Nam Chi
Theo câu thơ một lần thăm Chợ Nổi
Trái sầu riêng mắt lặng nói điều gì ?
 
Điều muốn nói đêm tôi vào mộng lén
Thấy lòng em thổn thức khúc sông vui
Thơm hoa trái - tiếng ca đầy - chưa trọn
Sống vỗ thành tim về phía một người !
 
Làm nắng rọi một tâm hồn đông lạnh
Giọt chiều rơi mang ngược bóng trăng soi
Dắt nụ cười đi qua miền chật chội
Mấy mươi năm còn đó một vòng tay !
 
Chặn địa đàng có em làm nến thắp
Quẩn quanh ta khúc nhạc lặng... hoàng hôn !
Chút muộn reo hương đời thơm cỏ khói
Bụi Phố xa rồi... tiếng hát thăng hoa ! 
              
Từ cái duyên đó Nam Chi bỏ tiền ra tái bản cuốn tiểu thuyết ''Tiếng khóc con chim Đỗ Quyên'' của tôi, điều mà ''kẻ áo rách lòng không'' như tôi chỉ nằm mơ thôi cũng không dám. Vậy mà tấm lòng của Nam Chi, của Liên Châu - cậu em nhận lo in ấn - đã hết mình với cuốn sách, để được hoàn thành đúng thời điểm tôi lên đường đi Sapa mang tặng Cha Bình, quí Cha Lào Cai, Yên Bái, quí Cha  và các cô trong đoàn cô giáo Khấn.
Buổi sáng hội ngộ mừng cuốn sách hoàn thành tôi được biết thêm nhiều anh chị em Nghệ sĩ tuổi tên như họa sĩ Nguyệt Quế - Hoàng Linh, nhà thơ Vũ Quỳnh, nhà văn Nguyễn Quân, Nghệ Sĩ Bảo Cường...v.v. tại cà phê 64 Trần Quốc Thảo. Sau đó ''phe ta'' tung hứng những trận cười tại Nhà hàng Suối Đá với những tuổi tên dày cợm như Nhà văn Nhà thơ  Bùi Chí Vinh, Nhà thơ Lê Thị Kim, Nhà văn Kim Quyên, Nhà thơ Kiều Huệ, Nhà báo Phạm Đức Mạnh, Liên Châu và Nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ. Mỹ có nụ cười và tấm lòng... mềm mượt da diết như dòng nhạc của cô. Cảm động  nhất là Bùi chí Vinh, mới gặp ''bà chị'' (hơn cái tóc bạc thôi) lần đầu mà phải ''chạy vắt chân lên cổ'' tìm mua bộ ''Ngũ quái Saigòn'' của Vinh viết, được người ta mua tái bản để tặng bà chị... Bà chị hí hửng vì có chữ ký  ''cha đẻ'' của Thúy Bụi và Thach Sầu Đời mà bà chị mê từ năm 2000 dù chỉ có được một cuốn của cháu nội cho...
Vui chơi ăn uống ký sách tặng đã đời với nhau ở một nơi rất lịch sự như Nhà hàng Suối Đá, sau đó chia tay. Nam Chi, Thùy Mỹ và Lê Thị Kim còn cho tôi cái vinh hạnh được thăm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại tư gia. Vị Nghệ sĩ tài hoa này tuy tuổi cao nhưng rất vui tính. Khi tôi hỏi:
- Ở tuổi này trí nhớ còn tốt không anh?
Ông cười ..hóm hỉnh:
- Tốt... tốt lắm... Nhất là cô nào yêu mình thì càng nhớ dai...
Chúng tôi cười ồ...
 
***
 
Hôm sau ngày 4/6/2014, khoảng 2 giờ Chi đi xe Công ty cô đến chở dùm túi quần áo và 30 cuốn sách  ra Tân Sơn Nhất... Cảm giác ngở ngàng xa lạ trong sân bay rộng lớn... Ôi mình sẽ ra sao nếu không có Nam Chi thành thạo đi một bên ! Chi lo cho từng li từng tí... hai chị em ngồi uống cà phê chụp hình cho nhau trong lúc chờ đợi đến giờ làm thủ tục và Chi đã đưa tôi vào tận chỗ cân gửi hàng rồi mới tạm biệt. Một mình với cảm giác lo sợ cô đơn... suốt từ khi máy bay cất cánh rời Tân Sơn Nhất tới gần 11giờ đêm ở sân bay Nội Bài mới gặp được Khấn - người Trưởng đoàn Cha Bình gửi tôi cùng lên Sapa - Cô có gương mặt  phúc hậu và giọng nói đúng là... con cái Chúa dịu dàng thanh thoát. Phu quân cô Chú Mười rất dễ gần gũi, rồi con gái con trai cô cháu nào cũng xinh ngoan... Những vị đồng hành kế tiếp cũng là những giáo viên hiền thục, với ba Cha hai Thầy còn rất trẻ... Suốt chuyến xe đêm từ Hà Nội tới Sapa dường như khoảng lặng rất ít, mà hương vị bánh, trái cây cô Khấn và các cô giáo kia chuẩn bị, cùng ngọt lịm theo những tiếng cười vui...
Tới Sapa được tái ngộ Cha Bình, anh Công và một số anh chị em trong Hội đồng Giáo xứ,  tay bắt mà lòng rưng... nụ cười nở mà khóe mắt muốn nói điều ngược lại... Trước bữa cơm trưa quá tưng bừng náo nhiệt có đủ thành phần, Cha Bình giới thiệu và muốn tôi đọc một bài thơ về Sapa. Mới đến chưa có thời gian tôi đành đọc bài thơ cũ hồi Cha Bố tôi - Đức Antôn -  cho đi lần trước. Tôi bổng nhớ Bố ghê! Bố không bao giờ hé lộ điều gì... Nhưng những toan tính âm thầm của Bố thường đem tới bất ngờ và niềm vui cho người khác. Nghe đâu hồi này, trái tim bướng bỉnh  đang ''nỗi loạn'' chống lại cái đầu ''đặc cứng công việc'' của ổng. Tôi không hề lo lắng chút nào, bởi vì Chúa đã nhận ''hối lộ'' của tôi 50 kinh mỗi đêm, nên Chúa chẳng dám để Bố tôi có việc gì đâu!!!
Lúc lén lượm hai viên đá của cái nền Nhà thờ  Hầu Thào về Cần thơ, tôi không ngờ có ngày ''huyền thoại bên tôi''. Tới Sapa ngày 5/6, nghỉ một đêm sáng ngày 6/6  đoàn chúng tôi hào hứng lên xe rời Sapa thẳng tiến Hầu Thào.
Càng nôn nao khi gần tới Nhà thờ, nhìn dòng xe và quan khách đầy đặc bị kẹt hàng cây số phải lội bộ trên con đường dốc thoai thoải mệt đừ, tới cổng chào với hàng chữ H'mông được dịch ra tiếng Việt ''Hân hoan chào đón Đức Cha, quý Cha, và quý khách ''. Và niềm vui như được ''tắm mát'' dạt dào khi nhìn quang cảnh người hoa rực rỡ trước ngôi Nhà thờ mới như một ''tiểu thư" kiều diễm, kiêu sa nhưng khiêm tốn nép mình bên sườn núi... là kết quả của gần bốn năm với biết bao công sức và mồ hôi nước mắt của 10 dòng họ người H'mông Hầu Thào... Trước sắc màu rực vui của khách, của đội kèn đồng Lào Cai, của đội Trống Lai Châu áo màu vàng trắng, của khối người H'mông đông ơi là đông khiến tôi muốn ôm chầm lấy họ mà  nói lên ''Sướng nha ! Từ nay các bạn có nơi thờ phượng, lễ bái rất đẹp, rất tôn nghiêm. Sự cật lực đóng góp công sức của các bạn, của quí ân nhân thật là xứng đáng''. Một cộng đồng Đức tin được hình thành, được tôn vinh, dễ làm rơi nước mắt! Nếu cuộc sống chỉ là những "Phu hài hước đục mồ diễm ảo" thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì... Nhưng tôi không thể chia sẻ gì với những người bạn H'mông không biết tiếng Việt này. Từng bước âm thầm giữa nhộn vui tôi đi một vòng cái diện tích đất khoảng hơn 2000 mét vuông của khuôn viên Nhà thờ, để biết qua nơi nấu nướng và đặt cả 300 bàn ăn đãi khách, và một sân khấu Văn nghệ ''dã chiến''. Rất nhiều bạn trẻ và người quen biết Cha Bình đang chụp hình lưu niệm tại đây. Mặc dù bận ''thở không ra hơi'' nhưng chợt thấy tôi Cha cũng ''ới'' vội! Tôi đứng bên Cha trong ánh chớp tíc tắc, nhưng lòng dạt dào cảm xúc để hiểu ra thế nào là một Linh mục Hoàng Đế và một Linh mục... ăn mày theo cách của tôi !
Mỉm cười một mình đi vào ngôi Nhà thờ xinh xắn từ kiểu dáng bên ngoài và cách bố trí bên trong, để phục anh Giuse Nguyễn Thành Công, giỏi làm thơ mà cũng giỏi thiết kế. Chính anh là người thiết kế và thi công ngôi Nhà thờ kiểu dáng ''Gô-tích'' mà rất hiện đại kiêu sa, trên diện tích xây dựng khiêm tốn chỉ có 600m2 này, là kết quả của những tháng ngày lặng lẽ gánh gồng, bất chấp Sapa:


Sương trắng ngập tràn lũng Mường Hoa
Thác bạc nước treo dài trên vách đá
Đứng lặng im không muốn buông dòng
..............................................................
Ở Hầu Thào  cũng vậy
           
Trời đất cùng một màu trắng xóa
Hàn thử biểu chỉ không độ ngoài trời
Nhưng dân H'mông vẫn lao động miệt mài
Xây dựng Nhà thờ Chúa.
 
Trẻ em được chằng trên lưng mẹ
Hai chân thò ra tím tái đung đưa
Bước chân mẹ váy hoa xòe uốn lượn
Mặt đứa nhỏ ngửa nhìn trời
Sương trắng như sữa dây trên mặt.
 
Sương cứ rơi dân ta cứ làm
Tiếng máy khoan đá xì xèo như mỡ rán
Tiếng búa chét đá chát chúa vang lên
Người xúc người đào người chuyển đá 
Tiếng cười đùa hòa lẫn với mù sương.
           
Thật là cảm động mà cũng thật là cảm phục anh Công ạ! Những vần thơ tả cảnh xây dựng Nhà thờ của anh trong bối cảnh nghiệt ngã và thách thức như vậy, càng thấy giá trị của ngày vui Khánh thành hôm nay. Tôi cứ đứng lặng một góc kín mà nhìn, mà tham dự các nghi thức diễn ra trong tiếng kèn rạo rực và những lời  ca như ''lột xác trần gian'' ca đoàn người H'mông và người Kinh cùng thờ phụng Chúa, cùng sống chung trong giây phút Tình yêu ''Nên Một'' tuyệt vời ! Tôi có được những giây phút nầy, anh em có được Nhà thờ tươm tất hôm nay để sớm chiều họp nhau dâng lời cầu nguyện... Trước hết xin tạ ơn Chúa, ghi ơn  những ''đại công đức'' mà Cha đã nêu danh sách để trước cửa Nhà thờ. Những ân nhân trong và ngoài nước dù không có mặt nhưng chắc chắn sẽ vô cùng vui vẻ... chúc mừng và nhân rộng việc bác ái thêm. Còn những ân nhân thầm lặng cũng xin đừng từ chối lời biết ơn sâu sắc... Bởi vì khi có mặt trong lòng Nhà thờ mới, nhìn  Bàn Thánh với hình tạc Chúa Ba Ngôi nâng quả địa cầu, nhìn  Thánh Giuse, Đức Mẹ rực rỡ hoa đăng ngời sáng hai bên, nhìn Nhà Tạm  hình trái tim với nét hoa văn đặc trưng của dân tộc H'mông... Nhớ lại Nhà thờ cũ trước đây, tôi thấy ''nước mắt đã lùi xa'' hay ''nhất định phải lùi xa'' ! Trong niềm vui và chúc phúc của Đức Cha chủ tế, với lời cầu mong nhiều nơi khác trong vùng núi Tây Bắc Việt Nam này cũng được hưởng niềm vui như Hầu Thào hôm nay, để thể hiện chính sách tự do tôn giáo của Nhà Nước...
Tôi bổng nhiên ngước mắt nhìn trời... Chúa vẫn bí mật trên đầu với điều Chúa muốn, còn tôi lúc đó có  cảm giác ''lòng trời vô cùng rạng rỡ'' theo hồi chuông kết thúc sau lời ca ''Tán tụng hồng ân'' mà tôi được nghe lần thứ hai từ những giọng ca trẻ trong ca đoàn người H'mông rất sành điệu. Lần trước hồi còn Nhà thờ cũ. Lần nầy trong không khí phấn khởi nhộn vui của ngày Lễ khánh thành, và khách được mời tham dự một bữa ăn thân tình, đầy đủ với món ăn vừa lạ vừa quen.
Có mặt trong bàn ăn với những đặc sản Sapa, ngoài trái  cây rừng tráng miệng, món Thắng Cố  nấu gần như cà ri Miền Nam và Heo Cắp Nách gợi tò mò... tìm hiểu tôi mới biết ''Thắng Cố'' là món nấu bằng thịt ngựa, còn ''Heo Cắp Nách'' là heo nuôi không quá lớn, chỉ nhỏ hơn con ''heo lứa'' miền Nam, vừa đủ nặng để dân bản có thể ''cắp nách'' (mang bên hông) đi tới chợ phiên bán... Vào tận chỗ nấu ăn quan sát càng nể những chàng trai khỏe mạnh, là những đầu bếp của các nhà hàng phục vụ khách du lịch tại Sapa với tay nghề giỏi giang, năng nổ vô cùng, phục vụ tiếp đãi khách không có chỗ chê... Cảm động nhất là chủ nhà Hầu Thào đã nhường cho thực khách xa như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các nơi khác ăn trước, vì cả mấy ngàn người không thể ngồi một lúc... Vừa ăn vừa thưởng thức Văn nghệ rất vui...
Không tài nào tìm nổi Cha Bình lúc này... Nói dại không chừng ổng gục ở đâu rồi... Thương Cha mệt quá... nói vậy thôi chứ sức mấy mà ''con Tướng'' của Chúa hôm nay ''quỵ '' được. Cha là ''con thoi'' tuyệt vời từ lúc hình thành dự án cho tới giờ nầy... Không biết trong đoàn tôi có ai gặp Cha để chào về sau bữa ăn không. Còn tôi theo đoàn lội ngược ra chỗ xe đậu vừa mệt vừa khát nên quên Cha mất tiêu...
Yên vị trên xe rời Hầu Thào một lúc bỗng ''đụng phải một trận cười phá cách''. Như tôi đã nói trong đoàn có 3 Cha trẻ mà. Cha Tươi ở Bình Dương, Cha Đăng ở Phú Quốc, Cha Bình ở Ông Vèo - Cần thơ... Chuyện là như vầy.... Có đoàn du khách từ Thái Lan về dự Lễ hồi nào không biết, họ cũng đang tìm kiếm taxi để trở về Sapa nhưng không có xe... Cậu thông dịch người Việt Nam hỏi Cha Tươi xin quá giang. Cha mời tất cả độ 7-8 người lên xe ngồi chung ''phe ta''. Xe mình rộng mà! Chạy được một lúc ''buồn miệng'' tôi tự nhiên ứng khẩu xin hát vọng cổ giúp vui. Một loạt vỗ tay hưởng ứng ''hát đi, hát đi, hay đó...''. Tôi bèn e hèm lấy giọng rồi ''rống'' lên thánh thót bài ''Tình anh bán chiếu'' của Nguyễn Trung Nguyên, viết đối lại với bài của Viễn Châu. Soạn giả Viễn Châu thì đại khái nói lên ''nỗi lòng anh dệt chiếu đem đôi chiếu bông cho người con gái anh thầm yêu... Nhưng khi anh mang chiếu đến thì cô đã lấy chồng. Anh chàng Trung Nguyên thì biểu ''Nàng đi rồi còn chi nữa mà mong... Thôi thì tui với ông chia nhau mỗi người một chiếc, đêm gối đầu chắc sẽ nằm mơ....''
Trong lúc tôi đang nỉ non ''khóc dùm hai thằng cha đàn ông si tình'' thì Cha Tươi nổi hứng lột chiếc nón đội đầu đứng kế một bên tôi ngửa ra xin tiền... Hai  Cha con tôi thành ''một cặp ăn mày'' kẻ hát người xin làm nổ tung một trận cười dã man, cười... vô nhân đạo... Rồi những tờ giấy bạc cứ ''đáp'' vào lòng chiếc nón trắng của Cha Tươi... Có cả những tờ tiền Thái Lan không biết mệnh giá bao nhiêu, tôi chỉ nhớ có một tờ màu đỏ vừa xuất hiện thì cậu thông dịch đã lẹ làng lấy 5.000 đồng Việt Nam ''đổi'' làm kỷ niệm... và số còn lại không biết nó lưu lạc nơi đâu giữa trận cười tột đỉnh... Tôi cũng muốn có một tờ nên Cha Tươi nói để ngài "truy nã" coi chúng ở đâu, vì chính cha cũng không còn một tờ nào...
Ôi cái khoảng khắc tươi vui ấy là men gây dẫn dắt tôi về phía trước, và không ''khiêng cái tử thi của chính mình như một gánh nặng'' mà đi trong cõi mhân gian này. Tôi mãi mãi gắn chặc vào cái cộng đồng tình yêu ấy...
Làm sao tôi có thể quên hình ảnh buổi dạo chơi ở thác Tình Yêu, vùng Núi Xẻ... trước khi rời Sapa về lại đồng bằng! Những tiếng cười vọng vang vách núi, những bước chân bám chặt gềnh đá, những khoảng dừng chân lo lắng chờ đợi nhau của mấy cha con, thật không thể quên... Và những câu hát vui hát giỡn kiểu Cha Đăng:


Con thương ba vì ba uống rượu
Mẹ thương con vì con uống bia
Cả nhà ta đều luôn say sưa
Ba một lít thì con một thùng.
 
Cha Bình trong đoàn còn độc đáo hơn... Không biết có hay ổng dựng chuyện cười cho vui mà ổng bảo ở Nhà thờ Hầu Thào trong lúc mời khách người ta ''xướng'' thế nầy: mời các vị ở Yên Bái, Yên Đường vào trong...''yên nghỉ'' ! Trời ạ...! chúng tôi cười tưởng tắt thở luôn... Tạ ơn Chúa, cộng đồng vui làm óng ánh thêm "bản thể" trong lành của  người Linh mục trẻ !
Nhưng nói gì rồi cũng phải giáp mặt phút chia tay... Tối ngày 7/6/2014, từ khách sạn tôi theo cô Khấn cùng một số anh chị em trong đoàn tới Nhà thờ Sapa chào Cha Sở, để mai lên đường về Hà Nội sớm... Điều muốn nói với Cha đang đầy lòng bịn rịn... Nhưng cũng chính vì thế mà tôi lại chẳng nói được gì ngoài những lời khuôn mẫu, để rồi bên hông cửa kính máy bay lời thơ thầm quay  ngược gió...       
           
Lời thương cũ tạ từ  đất khách 
Rời Sapa tạm biệt  Chúa Tình Yêu
Tôi về gom nhớ làm thơ nhớ
Để  nhớ  mang hồn cố xứ Thơ !                             
                            
Têrêxa Nguyễn Thị Thanh Huệ
Cần Thơ, ngày 25/8/2014
Thông tin khác:
Chào buổi sáng (14/04/2013)
Vác Thánh Gía (28/03/2013)
Dùng thời gian (15/01/2013)
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log