Thứ sáu, 19/04/2024

“Chúa Giêsu Nadarét: Các Trình Thuật Tuổi Thơ”

Cập nhật lúc 19:26 28/11/2012
Chúa Giêsu Nadarét: Trình thuật tuổi thơ


           Cuốn “Chúa Giêsu Nadarét: Các Trình Thuật Tuổi Thơ”, vừa xuất bản, là tác phẩm thứ ba nói về Chúa Giêsu Nadarét của Đức GH Bênêđíctô XVI. Dầy 132 trang, do nhà Image ấn hành, cuốn sách này chào đời đúng vào dịp ta đang chuẩn bị bước vào Mùa Vọng. Trong khi chờ đợi bản dịch đầy đủ bằng tiếng Việt, sau đây xin trích dịch chương thứ nhất, với tựa đề là câu hỏi của Phongxiô Philatô: “Ông từ đâu tới?” (Ga 19:9).

Khi tra hỏi Chúa Giêsu, Philatô đã vô tình đặt với người bị tố cáo câu hỏi sau đây: “Ông từ đâu tới?”. Những kẻ tố cáo Chúa Giêsu đòi Người phải chịu tử hình vì họ tuyên bố rằng người mang tên Giêsu này dám xưng mình là Con Thiên Chúa, một tội mà theo luật lệ đáng bị tử hình. Viên quan tòa “thông sáng” của Rôma này, người trước đó vốn tỏ ra hoài nghi đối với vấn đề chân lý (xem Ga 18:38), tất nhiên coi cái điều tự xưng của bị cáo như chuyện trò đùa. Ấy thế nhưng ông ta vẫn sợ. Bị cáo này từng cho thấy mình là vua, nhưng vương quốc của ông ta lại “không thuộc đời này” (Ga 18:36). Rồi ông ta còn ám chỉ tới một nguồn gốc và một mục tiêu kỳ bí nữa khi cho hay: “Chính vì điều này mà tôi đã sinh ra và chính vì điều này mà tôi đã tới trần gian, là để làm chứng cho chân lý” (Ga 18:37).

Đối với viên quan tòa Rôma này, tất cả những điều ấy xem ra điên điên khùng nhùng thế nào ấy. Ấy thế nhưng ông vẫn không rũ bỏ được cái ấn tượng kỳ bí mà người đàn ông này đã in ấn nơi ông, một người đàn ông không giống chút nào với những người chống lại sự đô hộ của Rôma và chiến đấu để tái lập vương quốc Israel mà ông từng gặp. Viên quan tòa Rôma vì thế hỏi xem Chúa Giêsu từ đâu tới để có thể hiểu được Người thực sự là ai và Người muốn gì.

Ta cũng gặp câu hỏi về nguồn gốc Chúa Giêsu, tức việc tìm hiểu gốc gác sâu xa của Người và do đó chính con người chân thực của Người, ở các đoạn chủ yếu khác trong Tin Mừng Gioan, và câu hỏi này cũng đóng một vai trò quan trọng không kém trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Đối với Thánh Gioan, cũng như đối với các soạn giả Nhất Lãm, nó phát sinh ra một nghịch lý độc đáo. Một đàng, ngược với Chúa Giêsu và với lời tự nhận của Người về sứ mạng thần linh là sự kiện: người ta biết chính xác Người xuất thân từ đâu: Người không xuất thân từ trời, từ “Chúa Cha”, từ “trên cao” như Người tự xưng (Ga 8:23). Không: “Há đây không phải là Giêsu, mà cả cha lẫn mẹ của ông chúng ta đều biết hay sao? Làm sao giờ này ông ta lại bảo: ‘tôi từ trời xuống’?” (Ga 6:42).

Các Tin Mừng Nhất Lãm cũng kể lại một câu truyện tương tự xẩy ra tại hội đường Nadarét, quê hương Chúa Giêsu. Ở đây, Người giảng giải lời lẽ Sách Thánh không theo lối thông thường mà liên hệ các lời lẽ ấy vào chính Người và vào chính sứ mệnh của Người bằng một thế giá vượt quá cả thế giá của mọi khoa chú giải (xem Lc 4:21). Tất nhiên, các thính giả hết sức ngỡ ngàng trước cái lối giải thích Sách Thánh như vậy, trước việc Người tự nhận là điểm qui chiếu nội bản và là chìa khóa chú giải bản văn thánh. Ngỡ ngàng dẫn tới bác bỏ: “Há người này không phải là thợ mộc, con trai Maria và anh em của Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6:3)

Họ biết rất rõ Chúa Giêsu là ai và người phát xuất từ đâu: Người là một giữa nhiều người khác. Người là một người như chúng ta. Lời tự nhận của Người chẳng qua chỉ là ngược ngạo. Hơn nữa, Nadarét nào có ăn nhập gì với bất cứ lời hứa hẹn nào như thế. Tin Mừng Gioan thuật lại rằng Philíp nói với Nathanaen: “Chúng tôi đã thấy Đấng mà Môsê trong luật và cả các tiên tri nữa từng viết về, đó chính là Giêsu Nadarét, con trai Giuse”. Nathanaen trả lời thế nào, ai cũng đã biết: “Có điều gì tốt phát xuất từ Nadarét đâu?” (Ga 1:45). Sự tầm thường của Chúa Giêsu, một viên thợ mộc tỉnh lẻ, xem ra không thể che dấu bất cứ huyền nhiệm nào được. Gốc gác của Người cũng chỉ coi Người như bất cứ một ai khác mà thôi. Thế rồi, luận chứng đảo ngược cũng đã được diễn dịch để chống lại thế giá của Chúa Giêsu, như trong cuộc tranh cãi với người bị mù từ lúc mới sinh, sau khi được chữa khỏi: “Chúng tôi biết Thiên Chúa từng nói chuyện với Môsê, chứ với người này (Chúa Giêsu), chúng tôi biết ông ta từ đâu tới” (Ga 9:29).

Khi Chúa Giêsu giảng giải trong hội đường của họ, người dân Nadarét cũng đã nói một điều khá tương tự trước khi bác bỏ Người như bất cứ ai họ biết rõ và cũng chỉ giống như họ: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như thế, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6:2). Cả ở đây, câu hỏi “Ông ta từ đâu tới” cũng đã được đặt ra, chỉ để bị bác bỏ ngay lập tức khi nhắc tới thân nhân của Người.

Gốc gác của Chúa Giêsu là điều vừa được biết vừa không được biết, bề ngoài xem ra dễ xác định, mà thực ra khó dò thấu. Tại Xêdarê Philíphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Người: “Người ta bảo Thầy là ai?... Các con bảo Thầy là ai?” (Mc 8:27 tt). Chúa Giêsu là ai? Người từ đâu tới? Hai câu hỏi này liên kết chặt chẽ với nhau, không thể nào tách biệt được. Cả bốn tin mừng đều cố gắng trả lời các câu hỏi này. Bốn tin mừng ấy được viết ra nhằm cung cấp một câu trả lời.

Thánh Mátthêu bắt đầu tin mừng của ngài bằng gia phả của Chúa Giêsu vì ngài muốn đặt câu hỏi về gốc gác của Chúa Giêsu dưới ánh sáng chính xác ngay từ đầu: gia phả được dùng làm một thứ tựa đề cho toàn bộ tin mừng. Trái lại, Thánh Luca đặt gia phả của Chúa Giêsu ở đầu thừa tác vụ của Người, như một thứ giới thiệu Chúa Giêsu với công chúng, nhằm trả lời cùng một câu hỏi nhưng với một nhấn mạnh khác, dự ứng trước mọi điều sẽ xẩy ra trong các phần còn lại của tin mừng. Giờ đây, ta hãy cố hiểu một cách gần gũi hơn mục tiêu cốt yếu của hai gia phả này.

Đối với Thánh Mátthêu, hai tên tuổi có tầm quan trọng đặc biệt để ta hiểu được gốc gác của Chúa Giêsu là Ápraham và Đavít.

Câu truyện về lời hứa bắt đầu với Ápraham, tiếp theo cuộc phân tán loài người sau việc xây Tháp Babel. Ápraham hướng về phía những điều sắp xẩy ra. Ông là người lữ hành, không phải chỉ từ sinh quán để vào đất hứa, mà còn từ hiện tại bước vào tương lai. Trọn cuộc đời ông là hướng về phía trước, là động cơ của việc tiến bước dọc hành lang những gì sắp diễn ra. Do đó, Thư Do Thái đã chính xác mô tả ông như người hành hương đức tin dựa vào lời hứa: “Ông mong đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (11:10). Đối với Ápraham, lời hứa áp dụng cho con cháu ông trước hết, nhưng nó cũng ngỏ xa hơn thế: “Mọi dân tộc trên địa cầu đều nhờ nó mà được chúc phúc” (St 18:18). Như thế, trọn bộ lịch sử, bắt đầu với Ápraham và dẫn tới Chúa Giêsu, sẽ được mở ra cho đại đồng tính: qua Ápraham, sự chúc phúc đến với mọi người.

Bởi thế, ngay từ đầu gia phả, tập chú đã nhắm vào đoạn cuối tin mừng, khi Chúa sống lại nói với các môn đệ: “Hãy làm mọi dân tộc trở thành môn đệ Thầy” (Mt 28:19). Trong lịch sử đặc thù được gia phả tỏ lộ, việc chuyển dịch tới cái toàn bộ kia đã có ngay từ đầu: tính đại đồng trong sứ mệnh của Chúa Giêsu đã chứa ngay trong gốc gác của Người.



Cả gia phả lẫn lịch sử nó kể lại phần lớn đều được sắp xếp quanh khuôn mạo Đavít, vị vua đã được ban cho lời hứa về vương quốc đời đời: “ Ngai của ngươi sẽ được thiết lập vĩnh viễn” (2Sm 7:16). Gia phả mà Thánh Mátthêu đặt trước chúng ta đầy rẫy lời hứa này. Nó được sắp xếp thành ba bộ, mỗi bộ 14 đời, đầu tiên từ Ápra ham tới Đavít, rồi đi xuống từ Salômôn tới lưu đày Babylon, và rồi đi lên tới tận Chúa Giêsu, là Đấng mà lời hứa trở thành nên trọn. Nhưng vị vua phải ngự trị mãi mãi nay đang xuất hiện kia thật khác với cái khuôn thước Đavít mà người ta vốn mong chờ.

Sự phân chia thành ba này càng trở nên rõ ràng hơn nếu ta nhớ rằng các chữ Hípri trong tên “Đavít” cộng lại với nhau thành 14: như thế, ngay trong biểu tượng số, con đường từ Ápraham tới Chúa Giêsu cũng đã mang dấu ấn rõ rệt của Đavít, của tên ông và của lời hứa với ông. Trên căn bản này, ta có thể nói: với ba bộ mười bốn đời này, gia phả quả là Tin Mừng Của Chúa Kitô Vua: trọn bộ lịch sử đều hướng về Đấng mà ngai vàng sẽ kéo dài muôn thuở.

Gia phả của Thánh Mátthêu lần giở lại dòng dõi nam giới, nhưng trong dòng dõi ấy, trước khi Đức Maria xuất hiện ở cuối, đã có tới 4 người đàn bà được nhắc tên, đó là Tamar, Rahab, Ruth và người vợ của Uriah. Tại sao những người đàn bà này xuất hiện trong gia phả? Họ được chọn theo tiêu chuẩn nào?

Người ta vốn cho rằng cả bốn người đàn bà này đều là những người tội lỗi. Thành thử việc lồng họ vào gia phả là để cho thấy rằng Chúa Giêsu đã mang lấy tội lỗi của họ vào thân, và với tội lỗi của họ là tội lỗi của toàn thế giới, và sứ mệnh của Người, do đó, là công chính hóa người có tội.

Nhưng điều đó không thể là yếu tố quyết định của việc chọn lựa, ít ra, cũng không đúng cho cả bốn người đàn bà này. Điều quan trọng hơn là: chẳng ai trong những người đàn bà này là Do Thái cả. Bởi thế, qua các bà, thế giới dân ngoại đã bước vào gia phả của Chúa Giêsu, sứ mệnh của Người nơi dân Do Thái và dân ngoại đã được tỏ lộ một cách hiển nhiên. Tuy thế, điều quan trọng hơn cả là sự kiện này: gia phả kết thúc với một người đàn bà: Đức Maria, Đấng thực sự lên dấu cho khởi đầu mới và tương đối hóa trọn bộ gia phả. Xuyên suốt qua các đời, ta đều thấy công thức “Ápraham sinh ông Ixaác…” Nhưng ở cuối cùng, ta thấy điều khác hẳn. Trong trường hợp Chúa Giêsu, người cha không được nhắc đến, thay vào đó, ta đọc được “Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đức Kitô” (Mt 1:16). Trong trình thuật liền sau đó, về việc Chúa Giêsu sinh ra, Thánh Mátthêu cho ta biết: Thánh Giuse không phải là cha của Chúa Giêsu và ngài toan tính bỏ Đức Maria về tội xem ra ngoại tình. Nhưng đây là điều đã được nói với ngài: “Con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:20). Như thế, câu cuối cùng đã đảo ngược hẳn trọn bộ cuốn gia phả. Đức Maria là một khởi đầu mới. Con của ngài không phát xuất từ một người đàn ông nào, mà là một tạo vật mới, được thụ thai nhờ Chúa Thánh Thần.

Gia phả vẫn là điều quan trọng: Thánh Giuse vẫn là người cha theo luật của Chúa Giêsu. Nhờ thánh nhân, Chúa Giêsu thuộc nhà Đavít một cách hợp lệ. Ấy thế nhưng, Người cũng phát xuất từ chỗ khác, “từ trên cao”, từ chính Thiên Chúa. Mầu nhiệm gốc gác của Người, nguồn gốc kép của Người, đối chất với ta một cách cụ thể: nguồn gốc ấy vừa có thể gọi tên vừa đồng thời là một mầu nhiệm. Chỉ Thiên Chúa mới thực sự là “cha” của Người. Gia phả nhân bản có ý nghĩa nhất định của nó trong lịch sử thế giới. Ấy thế nhưng cuối cùng, chính trong Đức Maria, người trinh nữ thấp hèn từ Nadarét, một khởi đầu mới đã bắt đầu, một nhân loại mới đã bắt đầu như mới.

Giờ đây, ta hãy xem sét gia phả trong Tin Mừng Luca (xem Lc 3:23-38). Ta gặp nhiều khác biệt so với danh sách tổ tiên do Thánh Mátthêu cung cấp. Ta đã chứng tỏ rằng gia phả của Thánh Luca giới thiệu thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu; có thể nói: nó hợp pháp hóa Chúa Giêsu trong sứ mệnh công khai của Người, trong khi Thánh Mátthêu trình bày gia phả làm khởi đầu cho Tin Mừng của mình, rồi từ đó mới nói tới việc Chúa Giêsu được tượng thai và sinh ra, và do đó, đã trình bày vấn đề gốc gác của Người theo ý nghĩa kép của nó.

Một khác biệt đáng lưu ý nữa là Thánh Mátthêu và Thánh Luca chỉ đồng ý với nhau về rất ít tên tuổi; ngay tên thân phụ của Thánh Giuse cũng không chung với nhau. Làm thế nào có chuyện này? Trừ các yếu tố lấy từ Cựu Ước, cả hai soạn giả đều đã dựa vào các truyền thống mà ta không thể tái lập được nguồn gốc. Đối với tôi, điều hoàn toàn vô ích là đưa ra các giả thuyết về vấn đề này. Không tin mừng gia nào quan tâm nhiều tới các tên cá nhân cho bằng tới cấu trúc có tính biểu tượng trong đó vị trí của Chúa Giêsu trong lịch sử được trình bày với ta: sự phức tạp trong đó Người được đan kết vào các sợi chỉ lịch sử của lời hứa cũng như sự bắt đầu mới vốn nghịch lý xác định nguồn gốc của Người song song với tính liên tục của hành động Thiên Chúa trong lịch sử.

Một điểm dị biệt nữa nằm ở sự kiện này: trong khi Thánh Mátthêu leo từ buổi đầu, tức từ rễ, lên tới hiện tại, lên tới “ngọn cây”, thì trái lại, Thánh Luca bước từ Chúa Giêsu, “đỉnh cây”, xuống tới rễ, để chứng tỏ rằng cuối cùng ra, chiếc rễ tối hậu không nằm ở chỗ sâu mà nằm ở chỗ cao: Thiên Chúa ở đấy, ở ngay buổi đầu của hiện hữu nhân bản: “Ông Enốt, con ông Sết, ông Sết con ông Ađam và ông Ađam là con Thiên Chúa” (Lc 3:38).

Yếu tố chung cho cả Thánh Mátthêu lẫn Thánh Luca là: gia phả ngắt quãng và dừng lại nơi Thánh Giuse: “Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse” (Lc 3:23). Về phương diện pháp luật, Người được coi là con Thánh Giuse, như Thánh Luca cho thấy. Ấy thế nhưng nguồn gốc đích thực của Chúa Giêsu đã được trình bày rõ ở hai chương đầu Tin Mừng Luca.

Trong khi Thánh Mátthêu cho ta một cấu trúc có tính biểu tượng về thần học trong gia phả của ngài, với ba bộ mười bốn tên mỗi bộ, thì Thánh Luca sắp xếp 76 tên của ngài không theo một khuôn thước rõ rệt nào về bề ngoài. Ấy thế nhưng ở đây, người ta vẫn khám phá ra một cấu trúc biểu tượng về thời gian lịch sử: gia phả này chứa 11 lần 7 thành phần. Thánh Luca hẳn biết công thức có tính khải huyền vốn chia lịch sử thế giới thành 12 phần và cuối cùng bao gồm 11 lần 7 thế hệ. Nhờ thế, đây là cách kín đáo cho ta thấy: với Chúa Giêsu, “sự viên mãn của thời gian” đã đến, với Người, giờ khắc quyết định của lịch sử thế giới đã bừng lên: Người là Ađam mới, Đấng lại đã đến “từ Thiên Chúa”, nhưng một cách triệt để hơn Ađam thứ nhất, không phải chỉ nhờ hơi thở của Thiên Chúa, nhưng thực sự là “Con” Thiên Chúa. Trong khi đối với Thánh Mátthêu, chính lời hứa với Đavít bàng bạc trong cách lên cấu trúc cho thời gian, thì Thánh Luca, khi lần giở đường trở lui tới Ađam, muốn cho thấy: nhân loại khởi đầu lại như mới trong Chúa Giêsu. Gia phả nói lên một lời hứa có liên hệ tới toàn thể nhân loại.

Trong sự nối kết này, một cách đọc khác về gia phả của Thánh Luca đáng được nhắc đến, cách đọc mà chúng ta tìm thấy trong các trước tác của Thánh Irênê. Bản văn ngài dùng không phải 76 mà là 72 tên. Căn cứ vào Xuất Hành 1:5, 72 (hay 70) là con số ấn định số người trên thế giới, một con số vốn xuất hiện trong truyền thống Luca gồm 72 (hay 70) môn đệ, những người được Chúa Giêsu đặt song hành với 12 tông đồ. Thánh Irênê viết như sau: “để chứng tỏ điều đó, Thánh Luca cho thấy: gia phả của Chúa, vì nối dài tới tận Ađam, nên đã gồm 72 đời, và nhờ thế, ngài đã nối cuối với đầu để chứng minh rằng chính Người (Chúa Kitô) đã thâu tóm trong Người mọi dân tộc vốn từ Ađam phân tán khắp nơi, và mọi ngôn ngữ cùng toàn thể loài người, trong đó có cả Ađam. Bởi thế, cả Thánh Phaolô nữa cũng coi Ađam như một loại hình của Đấng sẽ phải đến” (Adv. Haer. III, 22,3).

Cho dù đến nay, bản văn đích thực của Thánh Luca không chứa tính biểu tượng của con số 70 mà Thánh Irênê đã dựa vào để chú giải, thì ý định nằm dưới gia phả của Thánh Luca cũng đã được nắm chắc một cách chính xác ở đây. Chúa Giêsu quả mang vào thân Người toàn bộ nhân loại, toàn bộ lịch sử con người, và Người đem lại cho nó một tái định hướng dứt khoát nhắm tới phong thái mới của hiện hữu nhân bản.

Tin mừng gia Gioan, người không ngừng nêu câu hỏi về gốc gác của Chúa Giêsu, tuy không trình bày gia phả nào ở đầu tin mừng của mình, nhưng trong Tự Ngôn, đã long trọng và một cách tương cảm đưa ra câu trả lời cho câu hỏi ấy. Đồng thời, ngài còn mở rộng câu trả lời của mình để định nghĩa chính đời sống Kitô hữu: dựa vào gốc gác Chúa Giêsu, ngài làm sáng tỏ căn tính các môn đệ của Người. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… và Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:1-14). Con người có tên Giêsu là nơi cư ngụ của Ngôi Lời, tức Lời vĩnh hằng của Thiên Chúa, trên trần gian này. “Xác phàm” của Chúa Giêsu, tức sự hiện hữu nhân bản của Người, là “nơi cư ngụ” hay “lều” của Ngôi Lời: rõ ràng ở đây có ý nhắc đến căn lều thánh thiêng của Israel trong hoang địa. Có thể nói, Chúa Giêsu là căn lều hội ngộ: Người là thực tại mà lều kia cũng như Đền Thờ sau này chỉ có thể là dấu chỉ. Nguồn gốc của Chúa Giêsu, gốc gác của Người, mới thực sự là “khởi đầu” đúng nghĩa, suối nguồn sơ nguyên của vạn vật, “ánh sáng” biến thế giới thành vũ trụ. Người đến từ Thiên Chúa. Người là Thiên Chúa. “Khởi đầu” đã đến với ta này mở ra cho ta, như một bắt đầu, một cách thế mới để con người hiện hữu. “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1:12-13)

Một dịch bản trong truyền thống chép tay đã duy trì cách đọc câu này không phải ở số nhiều mà là ở số ít: “người này được sinh ra, không phải do khí huyết…”. Cách đọc này biến câu nói thành lời ám chỉ rõ ràng đối với việc thụ thai đồng trinh và sinh hạ ra Chúa Giêsu. Hữu thể từ Thiên Chúa của Chúa Giêsu, như đã được truyền thống được cả hai Thánh Mátthêu và Luca duy trì quả quyết, đã một lần nữa được nhấn mạnh một cách cụ thể. Nhưng đấy chỉ là cách đọc phụ thuộc: bản văn đích thực của Tin Mừng ở đây nói rất rõ ràng về những người tin vào danh Chúa Kitô và những ai tiếp nhận nguồn gốc mới nhờ danh ấy. Ấy thế nhưng sự nối kết với tuyên tín về việc Chúa Giêsu từ Trinh Nữ Maria sinh ra cũng đã hiện diện rõ ràng ở đây: những ai tin vào Chúa Giêsu cũng nhờ đức tin mà bước vào được nguồn gốc mới độc đáo của Chúa Giêsu, và tiếp nhận nguồn gốc ấy làm của riêng mình. Trong và tự mình, tất cả những người tin đều khởi đầu “sinh ra do khí huyết và do ước muốn của người đàn ông”. Nhưng đức tin đã đem lại cho họ một sự sinh ra mới: họ bước vào nguồn gốc của Chúa Giêsu Kitô; nguồn gốc này nay trở thành nguồn gốc của chính họ. Từ Chúa Kitô, nhờ đức tin vào Người, nay họ được sinh ra từ Thiên Chúa.

Như thế, Thánh Gioan đã thâu tóm ý nghĩa sâu sắc nhất của mọi gia phả và hơn nữa còn dạy ta hiểu các gia phả này như lời giải thích về chính nguồn gốc của ta, phản ảnh chính “gia phả” của ta. Các gia phả đã gián đoạn ở đoạn cuối vì Chúa Giêsu không do Thánh Giuse sinh ra, mà thực sự do Chúa Thánh Thần và Đức Maria sinh ra thế nào, thì chúng ta cũng có thể nói về mình rằng “gia phả” đích thực của ta chính là đức tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã ban cho ta nguồn gốc mới, Đấng đã đem ta tới chỗ được sinh ra “bởi Thiên Chúa”.
Vũ Văn An

Nguồn: Vietcatholic New
Thông tin khác:
Video Giáo Xứ Sapa Đón Đức Khâm Sứ Toà Thánh - Ngày 18.02.2024
GIỜ LỄ (TIMES OF MASS)
NGÀY THƯỜNG (WEEK-DAYS): 19:00

CHÚA NHẬT (SUNDAY): 09:00; 19:00

Chầu MTC: Thứ Năm trước thánh lễ *
* Adoration of Sacrament: before Mass on Thursday *

Giải tội trước và sau thánh lễ *
* Confessions before and after Mass *
LIÊN KẾT
Tiêu điểm
Chuẩn xứ Sử Pán - Sapa ngày Chầu Lượt lần đầu tiên
Chuẩn xứ Sử Pán - Sapa ngày Chầu Lượt lần đầu tiên
Trong tâm tình háo hức đợi chờ ngày được làm một việc mà bấy lâu mình toàn "đi ké" người ta, thì hôm nay, ngày 07.04.2024, Chúa Nhật II Phục sinh - Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, Chuẩn xứ Sử pán - Sapa đã có được ngày hồng ân đặc biệt này, ngày Chầu Lượt thay mặt giáo phận.
Thánh ca & Nhạc công giáo
Tâm sự chiếc áo dòng
Bài thánh ca buồn
Mùa đông năm ấy
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.sapachurch.org!
log